Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bài 1: "Xây chợ mới là cần thiết"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-L.T.S:Chính quyền đầu tư xây dựng chợ mới khang trang, sạch đẹp thay cho chợ cũ đã xuống cấp với mong muốn các tiểu thương có môi trường kinh doanh tốt, đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… Thế nhưng, hơn 3 năm qua, với rất nhiều lần đối thoại, vận động, thậm chí “xuống nước” trước các yêu cầu của tiểu thương nhưng đến nay họ vẫn không chịu vào chợ. Do vậy, lần này chính quyền TP. Pleiku đã tỏ rõ quyết tâm của mình. 
Sau hơn 25 năm hoạt động, cơ sở vật chất chợ Hoa Lư (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông do chợ tiếp giáp với con đường có lượng xe lưu thông đông đúc là đường Cách Mạng Tháng Tám. Vì thế, việc xây dựng chợ mới, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho các tiểu thương là một trong những chủ trương đúng đắn của chính quyền TP. Pleiku.
Chủ trương đúng đắn
Từ 2015 đến nay, đã có gần 120 người kinh doanh ở chợ cũ vào mua bán bên ngoài nhà lồng chợ mới
Bà Lê Thị Phương Thủy-Chủ tịch UBND phường Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: Chợ Hoa Lư cũ được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1992. Trải qua nhiều năm, chợ này đã xuống cấp trầm trọng, không còn đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy-chữa cháy, vệ sinh môi trường. Đáng nói hơn, chợ nằm trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám-một trong những đường chính nối khu vực phía Đông TP. Pleiku với khu vực nội thành, có lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc, nhất là những giờ tan tầm. Tồn tại nhiều năm nay ở khu vực này là tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi mua bán, đỗ xe dưới lòng đường…, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông. 
Xuất phát từ thực tế này, năm 2011 UBND TP. Pleiku quyết định xây chợ Hoa Lư mới trên đường Nguyễn Bá Lân (cách chợ cũ khoảng 100 mét) với kinh phí lên đến 12,5 tỷ đồng, được đầu tư khang trang, hoàn thành từ tháng 5-2013. Chị Trần Thị Trang-chủ cửa hàng mua bán quần áo trước cổng chợ (số 3 đường Nguyễn Bá Lân) nhận định: Việc mua bán ở khu vực chợ mới rất thuận lợi, nhất là buổi chiều khách hàng vào chợ rất đông, kéo theo việc kinh doanh của chị cũng tốt dần lên. “Chợ mới có cơ sở vật chất khang trang, trong khi chợ cũ thì người mua, người bán tràn ra đường, mất an toàn giao thông. Chợ mới còn tách biệt với đường lớn, đảm bảo công tác phòng cháy-chữa cháy lại có nhà vệ sinh, bãi giữ xe”-chị Trang nói. Tương tự, bà Phạm Thị Thanh Thủy (nhà nằm phía trước cổng chợ) cho rằng việc di dời các tiểu thương sang chợ mới là hợp lý vì chợ cũ đã quá xuống cấp, đường trong chợ thì lầy lội, lại không đảm bảo an toàn giao thông. 
Tuy nhiên, việc di dời chợ Hoa Lư cũ sang khu vực chợ mới đến nay vẫn còn bị ách lại. Theo nhiều tiểu thương, chợ mới không xây dựng sát đường Nguyễn Bá Lân mà nằm lùi vào phía trong, không thuận lợi cho việc buôn bán. Đó là một trong những lý do khiến chợ Hoa Lư mới hoàn thành đã hơn 3 năm nay nhưng các tiểu thương vẫn còn “cắm chốt” ở chợ cũ. Cả khu chợ mới gần như bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Tạo mọi thuận lợi cho tiểu thương
Lãnh đạo phường Hoa Lư cùng các ban ngành, đoàn thể họp bàn kế hoạch tháo dỡ nhà lồng chợ Hoa Lư cũ vào ngày 26-5 tới
Tiếp thu nhiều ý kiến của các tiểu thương, UBND phường Hoa Lư đã tham mưu cho UBND TP. Pleiku tiến hành điều chỉnh một số hạng mục công trình tại chợ Hoa Lư mới với mong muốn đưa chợ sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều phương án đưa ra nhưng 20/38 tiểu thương còn thời hạn hợp đồng 5 năm đã không chấp nhận phương án nào khiến cho việc vận động, tuyên truyền không mang lại hiệu quả tích cực. 
Ông Lê Huy Phong-Trưởng Ban quản lý chợ Hoa Lư cho biết: “Ngay từ đầu, khi các tiểu thương có kiến nghị, chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP. Pleiku cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình để phù hợp hơn với tình hình kinh doanh. Cụ thể như sửa chữa đường lên xuống tại khu vực nhà lồng và trước cổng chợ; mở đường đường thông từ hẻm Nguyễn Bá Lân sang hẻm 169 tạo thuận lợi cho việc đi lại mua bán của một số ki-ốt…”. Ngoài ra, Ban quản lý chợ còn tham mưu ban hành một số cơ chế như cho phép các hộ kinh doanh ở chợ cũ được ưu tiên bốc thăm chọn vị trí các ki-ốt, lô, sạp tại chợ mới; được lựa chọn các phương án nộp tiền (một lần hay nhiều lần). Từ năm 2015 đến nay, Ban quản lý chợ cũng đã tiếp nhận gần 120 người kinh doanh ở chợ cũ vào mua bán bên ngoài nhà lồng chợ mới mà không thu bất cứ một khoản phí nào. 
Chợ Hoa Lư mới gồm 57 ki-ốt bán hàng (diện tích 13,5 đến 18 m2/ki-ốt); 2 khu nhà lồng có tổng diện tích 1.726 m2 với 192 lô sạp (diện tích 3 m2/lô sạp), tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 12,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình phụ như: Nhà vệ sinh, tường rào, cổng ngõ, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… cũng được đầu tư bài bản.
Ông Phong cho biết thêm, chiều 12-5, Ban quản lý chợ phối hợp với UBND phường Hoa Lư tổ chức buổi họp với các hộ đã tham gia bốc thăm, đấu giá tại chợ Hoa Lư mới. Qua nhiều đợt, đến nay đã có 74 trường hợp bốc thăm, đấu giá ki-ốt tại chợ mới. Trong số đó đã có 30/57 ki-ốt được các tiểu thương bốc thăm, đấu giá; 44/192 sạp có chủ. Nhiều hộ đã tiến hành lắp đặt giá đỡ, làm mái che tránh mưa, nắng; sửa chữa một số chi tiết cho phù hợp với điều kiện kinh doanh. 
“Để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, ngày 18-5 chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức bốc thăm một lần nữa, ưu tiên cho các tiểu thương còn lại chưa đồng thuận với việc di dời chợ. Hiện tại, vẫn còn 27 ki ốt còn trống, chúng tôi chỉ để dành giải quyết cho các trường hợp ưu tiên. Sau thời gian này, chúng tôi sẽ chuyển cho Trung tâm bán đấu giá tổ chức đấu giá theo quy định”-ông Phong thông tin.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm