Phóng sự - Ký sự

Bài 4: Về với Nghĩa trang Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đất nước hòa bình, giang sơn thu về một mối, con đường Trường Sơn huyền thoại đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt suốt 16 năm ấy, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, văn-nghệ sĩ… đã vĩnh viễn nằm lại với đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, tuổi thanh xuân gửi lại ở chiến trường.

“Ngôi nhà chung” của liệt sĩ
 

Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác
Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác

Quảng Trị xế chiều một ngày tháng 5 đầy nắng. Từ TP. Đông Hà, chúng tôi vượt khoảng 38 cây số về hướng Tây Bắc. Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, dần hiện ra trên khu đồi Bến Tắt bát ngát thông reo. Tận đáy lòng mình, chúng tôi-những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình-dấy lên một xúc cảm khó tả: vui mà buồn, bi ai mà hùng tráng, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào.

Những nấm mộ nằm san sát với một màu trắng mênh mang trải dài tít tắp đều là những cô gái, chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đã anh dũng ngã xuống trong suốt 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn huyền thoại. Họ đã không quản máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy màu xanh cho những cánh rừng, giành lại tự do cho dân tộc. Bao nhiêu điều hiện hữu trước mắt khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, mặc nhiên, càng thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập.

Chiến tranh vừa kết thúc, để tưởng nhớ công lao của đồng chí, đồng đội thân yêu, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Và khu đồi Bến Tắt, nơi thượng nguồn sông Bến Hải, được chính vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chọn làm chốn an nghỉ vĩnh hằng cho các liệt sĩ. Nghĩa trang chính thức được khởi công vào ngày 24-10-1975 và hoàn thành vào ngày 10-4-1977 với sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh  Đoàn 559, sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Và rồi, mảnh đất này đã là nơi trở về của hàng ngàn liệt sĩ từ những chiến trường Đông-Tây Trường Sơn, từ đất nước Triệu Voi và quê hương Chùa Tháp trên con đường mòn huyền thoại. Các chị, các anh là những người con ưu tú của Đông Bắc, Tây Bắc vùng quê sơn cước; của châu thổ sông Hồng trĩu nặng phù sa; của Khu 4, Khu 5 anh dũng, mặn mà; của Tây Nguyên kiêu hùng hay tận trời Nam ngọt ngào của Tổ quốc. Sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, họ cùng về đây, nằm kề bên nhau dưới lòng đất mẹ như cái thuở ở chiến trường.
 

Những quả bom còn sót lại trên vùng đất Quảng Trị anh hùng. Ảnh: Nguyễn Giác
Những quả bom còn sót lại trên vùng đất Quảng Trị anh hùng. Ảnh: Nguyễn Giác

Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tỉnh Quảng Trị-Đại tá Lê Kim Thơ (SN 1940, số 10 Thái Phiên, TP. Đông Hà)-một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng nghĩa trang, cho hay: “Lúc bấy giờ, tôi giữ chức vụ Phó Giám đốc Xí nghiệp 334-đơn vị kỹ thuật làm nhiệm vụ san ủi mặt bằng cho nghĩa trang. Bom đạn chiến tranh còn sót lại nhiều, nên trong quá trình thi công, chúng tôi phải hết sức cẩn trọng, tránh để xảy ra thương vong”. Ông Thơ cũng kể cho chúng tôi nghe về cây bồ đề tự mọc chính giữa sau lưng tượng đài. Gần 40 năm tuổi (mọc từ năm 1976-N.V), cái cây ấy vẫn xanh tươi, xòe tán rộng như một vật chứng linh thiêng nơi cõi tâm linh này.

Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Hồ Tất Ái cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tọa lạc trên diện tích gần 40 ha, gồm: khu khánh tiết (nơi làm lễ), khu quần tượng (khu trung tâm) và 10.263 mộ (68 mộ chưa xác định được tên, tuổi) được chia thành 5 khu phân biệt theo các địa phương. Riêng Gia Lai có 4 liệt sĩ cùng hy sinh ngày 8-6-1969 là: Chơ Răng Hinh, Ksor Noi, Rơ Mah Rưng và Rơ Mah Nghĩa cùng nằm tại Khu 1 với các liệt sĩ của Hà Nội, Bình-Trị-Thiên và một số tỉnh Tây Nguyên và phía Nam.

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Thời gian trôi qua, cùng với sự vươn mình đổi thay của đất nước, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn qua 3 lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp đã ngang tầm với một nghĩa trang cấp quốc gia, trở thành một công trình của tâm linh văn hóa, một minh chứng bi hùng của cuộc chiến tranh cách mạng dân tộc thế kỷ XX.

 

Người dân ở khắp mọi miền về dâng hương tại Đền tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác
Người dân ở khắp mọi miền về dâng hương tại Đền tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Nguyễn Giác

Trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón khoảng 500 ngàn lượt người đến thăm viếng (chưa kể khách tự do). Giữa không gian rộng lớn tĩnh lặng, những đoàn người cứ nối nhau đi trong trầm mặc, trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Họ là những cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, thổn thức ký ức Trường Sơn cùng đồng đội; là những người cha, người mẹ, anh-chị-em, đến đây để tìm lại bóng dáng người thân yêu ròng rã mấy mươi năm biền biệt chẳng về. Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang nhớ lại: “Chúng tôi làm ở đây chứng kiến nhiều chuyện xúc động lắm. Đơn cử một trường hợp như thế này: Có vị Thiếu tướng Quân y người Quảng Trị khi ra Bắc nảy sinh tình yêu với một cô gái xứ Thanh. Họ đã từng chụp chung với nhau bức ảnh và trao kỷ vật hẹn ước. Khi anh vào Nam, họ mất liên lạc, hòa bình cũng bặt vô âm tín. Người phụ nữ ấy vẫn không lấy chồng nhưng trong lòng thầm trách người bội bạc. Năm 2004, trong một lần hành hương viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang này, bà đã nức nở khóc đến ngất xỉu khi vô tình thấy tên ông khắc trên tấm bia trắng. Sau đó thỉnh thoảng bà vẫn vào đây để thăm nom mộ phần của ông”.

Phần đông người về với nghĩa trang thuộc thế hệ trẻ, họ đến để bày tỏ lòng tri ân với bao chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì sự trường tồn của dân tộc. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của cha ông vẫn hàng ngày, hàng giờ hiện hữu nơi nghĩa trang này. Anh Nguyễn Mạnh Đông (Thành Long-Hà Miên-Tuyên Quang) tâm sự: “Hôm nay tôi cùng 22 người ở Tuyên Quang về thăm đường Trường Sơn huyền thoại và đến thăm nghĩa trang. Cứ 2 năm là chúng tôi tổ chức một lần đi viếng các anh, các chị của Tuyên Quang nói riêng và liệt sĩ Trường Sơn nói chung. Mỗi khi đến đây, mọi người trong đoàn lại xúc động, tự hào và biết ơn công lao trời biển của các anh hùng liệt sĩ, biết trân quý hai chữ hòa bình”.

Ông Roger Moore-một vị khách du lịch người Mỹ-chia sẻ: “Tôi đang trải nghiệm một tour du lịch từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng xe đạp, trên chính con đường Trường Sơn huyền thoại của các bạn. Đến nghĩa trang này, chứng kiến mọi thứ, tôi cảm thấy rất buồn cho những hành vi tàn bạo của chính phủ chúng tôi, chỉ vì những lý do ích kỷ của mình mà gieo rắc chiến tranh, khiến bao người trẻ phải chết, gia đình họ phải chịu đựng nỗi đau khôn cùng”.

 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Những trăn trở cuối đời

Bao nhiêu lần ghé thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn là bấy nhiêu lần các cựu binh Trường Sơn vỡ òa trong tiếng khóc. Họ xót thương những người đồng đội từng kề vai sát cánh cùng nhau trên chiến trường, chia từng nắm cơm, ngụm nước, từng tấm áo che nắng, đội mưa. Hòa bình, họ may mắn bình an trở về, vui vầy bên gia đình, con cháu, trong khi đồng đội của họ đã vĩnh viễn nằm lại chốn này.

“Mỗi dịp đến nghĩa trang, tôi vẫn hay hát cho các anh, các chị nghe như lúc còn ở chiến trường. Vẫn những bài ca ấy, tiếng hát ấy nhưng chẳng còn tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng nhẩm nhẩm hát theo, có chăng, chỉ là tiếng nấc khóc thương phát ra từ những người sống sót”-nữ văn công Trường Sơn Nguyễn Thị Phương Hoa (TP. Đông Hà, Quảng Trị) nghẹn ngào.

Trong mạch giao cảm giữa người mất-người còn, của tình đồng chí, đồng đội, hồi ức cứ thế ùa về trước mặt họ như thể là mới của hôm qua. Cựu binh Lê Kim Thơ trăn trở: “Cuộc chiến kết thúc, trong 16 năm, ít nhất 2 vạn đồng đội tôi đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn ấy. Thế nhưng mới chỉ hơn 1 vạn là được tìm thấy, đưa về nghĩa trang, còn lại vẫn nằm lạnh lẽo đâu đó. Đó là điều khiến tôi day dứt khôn nguôi”.

 

Còn với những người cựu binh ở xa xôi, chưa có cơ hội một lần đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn thăm đồng đội, lòng cũng chẳng đặng an yên. Cựu thanh niên xung phong Lê Quang Vọng (hiện ở xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) bộc bạch: “Tôi nghe nói rằng Nghĩa trang Trường Sơn được xây dựng ngay tại địa điểm đơn vị tôi đóng quân ngày đó nên lúc nào cũng tự tưởng tượng xem nó như thế nào. Ước nguyện cuối đời của tôi là được một lần đến nghĩa trang để viếng mọi người và biết có bao nhiêu đồng đội mình đang nằm ở đấy”. Bà Nguyễn Thị Dĩu (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) cũng đau đáu một nỗi niềm, rằng bà có cô bạn thân tên Thuyên cùng là y tá ở Trường Sơn, hy sinh năm 1968 trong tình trạng cơ thể không còn nguyên vẹn do trúng bom Mỹ. “Không biết hài cốt cô ấy có được quy tập về nghĩa trang Trường Sơn chưa hay vẫn nằm đâu đó trên đường, tôi cứ tự hỏi thế nhưng vẫn chưa có điều kiện ra thăm nghĩa trang để có câu trả lời cho mình”-bà Dĩu nói.

Chúng tôi cùng đoàn người rời nghĩa trang trong niềm xúc động lan tỏa. Công lao các anh, các chị đã mãi tạc sâu vào dãy núi Trường Sơn. Xin mượn mấy lời thơ trong bài “Lời ru Trường Sơn” của thi sĩ Hoàng Cẩm Giang thay cho lời kết: “…Anh cứ ngủ yên giấc nghe anh/Khoảng trời xưa bốn mùa êm dịu nắng… Trường Sơn thương anh nên rừng lá đỏ/Và mây lặng im-mây trắng đến bây giờ…”.

M.Dưỡng-T.Dung-H.Thi-N.Giác

Có thể bạn quan tâm