Đến khoa điều trị ung thư của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vào một chiều nắng giữa tháng 2.2025, chúng tôi không thể rời mắt trước hình ảnh một người phụ nữ trung niên với làn da đen sạm, ánh mắt ngơ ngác đầy lo lắng đang ngồi thu mình bên giường bệnh của con.
Đó là chị Ksor H’ Biăp (40 tuổi, ở H.Chư Pưh, Gia Lai) và con trai Kror Khoa (10 tuổi, dân tộc Jrai, bị ung thư máu).

“Tôi sợ không có tiền chữa ung thư cho con, con sẽ chết”
Vì chị Kiăp không biết chữ, nên cuộc trò chuyện với chúng tôi càng trở nên khó khăn. Nhưng chị vẫn cố nói chậm rãi từng tiếng để kể về bệnh tình của con, cũng như cầu xin cứu Khoa khỏi bệnh hiểm nghèo.
Chị Kiăp nhớ lại, cuối tháng 9.2024, thấy con sốt cao mãi không khỏi nên chị đưa Khoa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để kiểm tra. Nhập viện 1 tháng, bác sĩ nói Khoa bị thiếu máu nặng, ở đây không chữa được nên chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để chữa trị.
Sáng sớm hôm sau, chị Kiăp vội vã dẫn con rời bản, bắt xe lên TP.HCM, mang theo túi vải bạc màu và số tiền vỏn vẹn 3 triệu đồng mà chị vay mượn được.
Không biết đọc chữ, không hiểu đường sá, chị nghe loáng thoáng rồi vô tình tìm đến một bệnh viện khác; tiền xe hết 2 triệu đồng. Còn 1 triệu đồng trong tay, chị cố gắng dè sẻn chi tiêu, cầm cự qua ngày, để con còn có cơ hội chữa bệnh.

Sau 1 tuần xét nghiệm máu và chọc tủy đồ, bác sĩ chẩn đoán Khoa bị bệnh ung thư máu và cho truyền hóa chất chống ung thư. Ngày nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo, chị Kiăp không hiểu bệnh của con.
Cho đến khi bác sĩ giải thích và “hình thù” của bệnh tật hiện rõ trên cơ thể của Khoa, chị mới biết bệnh của con rất nặng, nếu không điều trị thì Khoa sẽ không qua khỏi.
“Tôi không biết bệnh ung thư là gì, chỉ biết bệnh của con nặng lắm. Tôi sợ lắm, sợ không có tiền chữa cho con, con sẽ chết”, chị Kiăp nói với giọng ngọng nghịu, nặng nhọc.
Hỏi khoảnh khắc nào khiến chị thấy đau nhất trong suốt 120 ngày cùng con ở bệnh viện, chị Kiăp nói đó là khi thấy con sốt miên man và cứ ăn là nôn.
Từ một cậu bé hoạt bát, Khoa trở nên trầm tính và cộc cằn hơn. 10 tuổi nhưng Khoa chỉ vỏn vẹn khoảng 21 kg nên Khoa trông gầy gò và xanh xao.

Chúng tôi được sự đồng ý của chị Ksor H' Biăp trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho gia đình chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Ksor H' Biăp (mẹ của cháu Kror Khoa) qua số điện thoại 0354216117.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định.
Nội dung ghi: Giúp đỡ cháu Kror Khoa; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình cháu trong thời gian sớm nhất.
"Tôi còn đúng 600.000 đồng"
Thắc mắc ở bệnh viện suốt nhiều tháng qua, chồng chị Kiăp có đến TP.HCM để phụ chị chăm con hay không... Giấu nỗi buồn, chị Kiăp ngại ngùng chia sẻ, chị và chồng mới chia tay nên một mình chị gánh vác hết mọi khó khăn.
Chị Kiăp có 5 người con (con lớn 20 tuổi, con thứ hai 17 tuổi, con thứ ba 14 tuổi, Khoa và con út 5 tuổi). Gia đình chị Kiăp thuộc diện khó khăn, 4 người con lớn của chị không được đi học, chỉ riêng con út đang đi học mẫu giáo.
“Nhà nghèo quá, không có tiền cho chúng nó đi học. Ngày nào Khoa cũng theo tôi đi làm nông, làm thuê cho người ta. Mỗi ngày, 2 mẹ con tôi kiếm được 150.000 - 200.000 đồng”, chị Kiăp chia sẻ.

Ở bệnh viện, 2 mẹ con Khoa chủ yếu ăn cơm từ thiện. Chị Kiăp nói, hiện tại trong túi chị còn đúng 600.000 đồng. Chị nói ở đây, cũng may nhờ mọi người giúp đỡ, chị mới cầm cự sống qua ngày chứ không biết phải làm sao.
Từ ngày cùng con lên thành phố chữa bệnh quái ác, riêng số nợ chị vay ngân hàng lên đến 35 triệu đồng, chưa kể số nợ ở bên ngoài. “Tôi không biết làm sao để trả nợ nữa. Ngân hàng có hẹn tôi tháng 3 này lên mà chắc tôi cũng không về quê được”, chị Kiăp đắng nghẹn.
Không có tiền thuê trọ hay bắt xe về quê trong những ngày nghỉ sau mỗi đợt hóa trị, mẹ con Khoa đành tá túc tại nhà sơ.
“Mong ước của chị là gì?”, chúng tôi hỏi. Chị Kiăp khẽ cười, nhưng trong tiếng cười đó có cả nỗi đau không thể giấu. Ánh mắt rưng rưng, chị nghẹn ngào nói: “Tôi chỉ mong có tiền mua thuốc, truyền thuốc cho con hết bệnh”.
Chị Kiăp không biết chữ, chưa từng đi ra khỏi bản làng nhiều, nhưng lạ thay, chị thuộc làu những thuật ngữ y khoa phức tạp về thuốc men của con.
Những từ ngữ tưởng chừng xa lạ ấy đã trở thành một phần trong cuộc sống của chị, vì chị hiểu rằng từng viên thuốc, từng giọt truyền dịch đều là niềm hy vọng duy nhất giúp con níu kéo sự sống.
Còn Khoa, cậu bé nhỏ nhắn với đôi tay chi chít vết thâm tím, chỉ cười trừ và lắc đầu khi nghe chúng tôi hỏi về ước mơ của mình.

Giữa muôn vàn khó khăn, chị Kiăp vẫn từng ngày bám trụ, chắt chiu từng đồng để níu giữ sự sống cho con. Chẳng có kế hoạch cho ngày mai, chẳng dám nghĩ đến tương lai xa, chị chỉ biết rằng hôm nay Khoa vẫn còn cần thuốc, cần được chữa trị.
Và sự sẻ chia của bạn đọc chính là sức mạnh để tiếp thêm động lực cho mẹ con Khoa vượt qua tháng ngày gian phía trước.
Theo Uyển Nhi (TNO)