Du lịch

Bài cuối: Lãng đãng Bà Nà Hills

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm cách thành phố Đà Nẵng 25 km về phía Tây Nam, ngọn Bà Nà cao đến tận mây xanh như một dấu gạch nối giữa trời và đất. Dưới chân núi đang là mùa hè vậy mà lên đến lưng chừng núi đã sang đông, mây phủ và lãng đãng sương mù.

Bà Nà có lịch sử lâu đời. Ngay từ đầu thế kỷ trước, sau Đà Lạt, đầu năm 1900, Toàn quyền Đông Dương bấy giờ là Paul Doumer đã cử Đại úy Debay thăm dò và tháng 4-1901 tìm ra núi Chúa cao 1.489 mét so với mực nước biển hội đủ các điều kiện để xây dựng nơi đây thành khu nghỉ dưỡng.
 

Trên đỉnh Bà Nà. Ảnh: T.P
Trên đỉnh Bà Nà. Ảnh: T.P

Mãi đến năm 1912, Toàn quyền Đông Dương mới ra quyết định biến Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp thì việc nghiên cứu rặng núi này mới được đẩy mạnh. Và đến tháng 5-1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ trên đỉnh Bà Nà.

Tháng 7-1921 đã có 36 chủ đầu tư được cấp phép 39 lô đất để xây dựng các biệt thự. Cho đến năm 1937 thì số du khách lên Bà Nà nghỉ dưỡng đã lên đến hơn một ngàn người. Bà Nà trở thành khu nghỉ dưỡng nổi tiếng cả Đông Dương. Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi.

Sau năm 1954, các công trình kiến trúc trên đỉnh Bà Nà trở nên hoang phế. Nửa thế kỷ ngủ yên, mãi đến năm 1998, chính quyền thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng Bà Nà thành khu du lịch sinh thái đại quy mô. Năm 2000, Bà Nà đã được đánh thức và tái tạo vị thế một thị trấn du lịch nổi tiếng. Công trình cáp treo được xây dựng vào năm 2007 và đến tháng 3-2009 hoàn thành với 2 kỷ lục guiness thế giới: cáp treo một dây dài nhất (5.042,62 mét); cáp treo có độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất (1.291,81 mét). Hàng loạt công trình trên đỉnh Bà Nà cũng lần lượt hoàn thành và đưa vào hoạt động: hệ thống các khách sạn, nhà hàng, hầm rượu, đường du lịch sinh thái, sân tenis…

 

Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong

Đặc biệt có một công trình kiến trúc phục vụ tín ngưỡng cũng được xây dựng nơi đây là chùa Linh Ứng hoàn thành vào tháng 3-2004 với tượng Phật Thích ca cao 27 mét màu trắng. Bà Nà tái khẳng định vị trí hàng đầu của mình trong tour du lịch miền Trung.
 

Lên Bà Nà bằng tuyến cáp treo, du khách không chỉ tận hưởng cảm giác bay bổng khi lên cao mà còn được thả mình ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây. Phía dưới là dòng suối Mơ ngoằn ngoèo và thác Tóc Tiên huyền ảo, rừng cây xanh thẫm, những chùm hoa sắc đỏ, vàng trên ngọn cây cao. Ca bin cáp treo cứ lên mãi, lên mãi, đưa ta từ vùng khí hậu nhiệt đới sang ôn đới. Mây là đà bay bên dưới.

Vài ngôi biệt thự ẩn mình sau màn sương mỏng. Tôi liên tưởng đến cao nguyên Genting, khu nghỉ dưỡng vui chơi nổi tiếng của Malaysia tôi vừa có dịp tham quan năm trước cũng bằng tuyến cáp treo. So với Bà Nà, cáp treo Genting không sánh kịp về độ cao, chiều dài. Cự ly từ Kuala Lumpur đến Genting cũng xa hơn (80 km). Bà Nà quả là món quà quý của thiên nhiên ban tặng cho miền Trung-Tây Nguyên.

Tôi men theo các bậc đá trên con đường sinh thái ngang qua Khách sạn Hoàng Gia thăm một ngôi biệt thự cổ xây dựng thời Pháp. Rễ cây và rêu xanh phủ kín trên các bức vách nghiêng ngả, sức tàn phá của thiên nhiên và thời gian in dấu trên từng viên gạch lát nền, trong lò sưởi lạnh nửa thế kỷ qua. Như nghe câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan vang lên đâu đây “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Đâu rồi Debay, đâu rồi Beisson, đâu rồi Morin, những viên chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa xưa đã từng lên đây, chỉ có tôi và người bạn đồng hành đứng ngẩn ngơ giữa khung cảnh hoang tàn khi hoàng hôn buông xuống?

 

 

Chưa đêm nào ngủ ngon như đêm ở khách sạn trên đỉnh Bà Nà. Có lẽ nhờ đi bộ lên xuống dốc và khí hậu nơi đây nên chúng tôi một mạch thẳng giấc đến khi mặt trời đã lên. Nắng xiên qua màn sương mỏng, qua tán lá cây rừng và những chùm hoa Đào chuông, hoa dại tím mọc trên sườn đồi thành một thứ ánh sáng huyền ảo, lung linh. Bà Nà đẹp như chốn thiên đường. Buổi sáng, chợ quê nhóm họp trên Bà Nà với nhiều hàng ăn dân dã như: bánh xèo, bánh cuốn, bánh bèo, xôi, chè… Thực khách là du khách nghỉ lại đêm qua và khách vừa lên bằng tuyến cáp treo. Người lên càng lúc càng đông.

Đà Nẵng là thủ phủ của miền Trung-Tây Nguyên. Thành phố trẻ, năng động này hội đủ các yếu tố trở thành đầu tàu về mọi mặt của con tàu khu vực. Trong đó, vị trí đặc biệt của thành phố chiếm một vai trò quan trọng. Là cảng biển và cảng hàng không quốc tế, là điểm nút giao thông của các quốc lộ, là “trạm trung chuyển”các di sản văn hóa thế giới như Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế và cả những di sản phi vật thể của nhân loại như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế. Trong đó, Bà Nà là điểm nhấn của Đà Nẵng và cũng là của “thiên đường” du lịch miền Trung song không phải ai cũng có thể đến đây hưởng thụ bởi giá nhiều loại dịch vụ khá cao (vé cáp treo 400 ngàn đồng/người; phòng khách sạn thấp nhất 850 ngàn đồng/giường đôi)…

Từ Đà Nẵng nếu ngước nhìn lên cao kia, mùa nào trên đỉnh Bà Nà cũng lãng đãng mây bay…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm