Kinh tế

Nông nghiệp

Bài toán nan giải về nguyên liệu sấy thuốc lá ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bà con nông dân khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch thuốc lá. Nhờ thời tiết thuận lợi nên cây thuốc lá cho năng suất cao và chất lượng tốt. Tuy nhiên, nguồn chất đốt để sấy thuốc lá vẫn đang là bài toán nan giải.
Thuốc lá được mùa, được giá
Vụ Đông Xuân 2020-2021, các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh có 3.494 ha thuốc lá, trong đó, huyện Krông Pa 2.033 ha, Ia Pa 1.019 ha, Phú Thiện 192 ha và thị xã Ayun Pa 250 ha. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên thuốc lá được mùa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Chị Phạm Thị Lệ (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng 2 ha thuốc lá. Nhờ mưa thuận gió hòa, cây thuốc lá phát triển tốt, ít sâu bệnh nên năng suất đạt 3 tấn/ha. Với giá bán 50-55 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 75 triệu đồng/ha”.
Nhân công xiên lá thuốc lá tại gia đình anh Hồ Ngọc Nhân (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Ảnh: Vũ Chi
Nhân công xiên lá thuốc lá tại gia đình anh Hồ Ngọc Nhân (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa).  Ảnh: Vũ Chi

Vừa xiên lá thuốc lá, anh Hồ Ngọc Nhân (thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) vui vẻ cho biết: “Năm nay, lá thuốc vàng đều, dày, đẹp nên thương lái thu mua với giá trên 50.000 đồng/kg. Cây thuốc lá từ khi gieo giống đến khi kết thúc thu hoạch mất khoảng 6 tháng với chi phí khoảng 80 triệu đồng/ha. Với 1,5 ha thuốc lá, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 100 triệu đồng”.

Cũng hy vọng có được nguồn thu nhập khá sau vụ thuốc lá này, chị Nông Thị Lành (làng Kơ Nia, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) phấn khởi nói: “Năm nay, tôi trồng 2 ha thuốc lá. Vì không có kho chứa nên sấy đến đâu, tôi bán đến đó. Ước tính vụ này, gia đình tôi lãi khoảng 120 triệu đồng”.
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây thuốc lá vụ Đông Xuân năm 2020-2021 đạt năng suất 2,7-2,8 tấn/ha. Nhiều hộ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nên chi phí đầu tư giảm đáng kể. Với giá bán ổn định 50-55 ngàn đồng/kg, người dân lãi 75-100 triệu đồng/ha.
Gặp khó về chất đốt
Bình quân 1-2 ha thuốc lá thì người dân phải xây dựng 1 lò sấy thủ công. Như vậy, với gần 3.500 ha thuốc lá ở khu vực Đông Nam tỉnh sẽ có khoảng 1.500 lò sấy. Nguyên liệu chính của các lò sấy này là củi. Hiện đã nghiêm cấm triệt để việc khai thác củi rừng tự nhiên làm chất đốt nên người dân chuyển sang mua trấu, than đá… để làm chất đốt thay thế. Tuy nhiên, cầu vượt cung khiến giá chất đốt không ngừng tăng lên.
Theo chị Lệ, chưa bao giờ chất đốt khan hiếm như năm nay. Để chuẩn bị nguyên liệu sấy 9 lò thuốc lá/vụ, chị phải tìm mua củi trước đó nửa năm. Nếu chi phí mua nguyên liệu trước đây chỉ khoảng 2-3 triệu đồng thì nay tăng lên 4,5-5 triệu đồng.
Người dân xiên thuốc lá trước khi đưa vào lò sấy. Ảnh: Vũ Chi
Người dân xiên thuốc lá trước khi đưa vào lò sấy. Ảnh: Vũ Chi

Còn theo anh Nhân, 3 năm gần đây, do củi khan hiếm nên anh sử dụng trấu để sấy thuốc lá. Tuy nhiên, năm nay, lượng trấu từ các nhà máy gạo tại thị xã Ayun Pa trở nên khan hiếm do nhu cầu sử dụng tăng cao. “Chi phí mua nguyên liệu làm chất đốt để sấy 1 ha thuốc lá tốn khoảng 35-40 triệu đồng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ người dân tìm nguồn nguyên liệu bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường để bà con yên tâm sản xuất”-anh Nhân bày tỏ nguyện vọng.

Theo ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, chất đốt để sấy là vấn đề nan giải trong những năm gần đây. Việc xây dựng lò sấy thuốc lá tự động chạy bằng điện năng cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, vốn đầu tư lò sấy thuốc lá tự động chạy bằng điện năng gấp 4-5 lần lò sấy thủ công nên rất khó để nhân rộng.
Trong khi đó, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết: Toàn huyện có khoảng 700 lò sấy thuốc lá thủ công. Thời gian qua, thay vì khai thác củi rừng làm chất đốt, người dân đã chuyển sang sử dụng củi điều, củi tạp có sẵn trong vườn rẫy hoặc thu mua củi từ các nơi khác về; một số hộ chuyển sang dùng trấu, than đá…
Tuy nhiên, các nguồn nguyên liệu này đều không có tính bền vững, một phần do giá cao, một phần tốn nhiều nhân công. Hiện mô hình lò sấy thuốc lá sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cộng với điện năng đang được nghiên cứu. Nếu được áp dụng sẽ giải được bài toán khan hiếm nhiên liệu chất đốt trong thời gian tới.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm