Thời sự - Bình luận

Bàn đủ rồi, làm thôi!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đó là tâm lý của nhiều người về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời tự sản, tự tiêu nói riêng.

Còn nhớ trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường năng lượng tái tạo gần như ngủ đông vì chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn.

Trong bối cảnh thiếu điện luôn đe dọa, cứ tưởng phê duyệt rồi, các nguồn điện tái tạo sẽ nhanh chóng được đẩy mạnh. Thế nhưng, đã hơn 1 năm kể từ khi Quy hoạch điện VIII chính thức thông qua, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện sạch vẫn chỉ dừng ở đề xuất, tranh luận, sửa đổi, rồi lại đề xuất, tranh luận, xin ý kiến, chỉnh sửa...

Đơn cử cơ chế bán điện cho nhà hàng xóm (mua bán điện trực tiếp), là cơ chế được chờ đợi nhất vì có thể triển khai nhanh. Chính ngành điện cũng kỳ vọng, cơ chế này đưa vào triển khai sẽ giảm áp lực điện lưới thiếu khi nắng nóng kỷ lục kéo dài thời gian qua.

Cứ hình dung thế này, nhà hàng xóm tối thui trong khi nhiều cơ sở sản xuất điện mặt trời thừa mứa vì chưa kết nối với lưới điện, thì việc được phép bán điện mặt trời cho nhà hàng xóm là một cách khuyến khích nhà dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Bộ Công thương khi đó lại chỉ khuyến khích "xài một mình" với quy định các trường hợp này chỉ sản xuất điện tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Sau nhiều góp ý, từ "xài một mình", cơ chế cho mua bán điện trực tiếp đã tiến thêm một bước nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn. Nói đơn giản thì doanh nghiệp được phép, còn hộ gia đình thì không được giao dịch trực tiếp với nhau. Thế là lại tranh cãi!

Tương tự, điện mặt trời tự sản tự tiêu, bản chất là tận dụng nguồn điện có công suất nhỏ, tận dụng mái nhà, công sở, công trình nhằm giảm công suất cho các nhà máy điện lớn. Nhưng quan điểm mua điện mặt trời dư thừa phát lên lưới giá 0 đồng của Bộ Công thương ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc tranh cãi lớn. Sau đó, Bộ Công thương đã bỏ quy định này, thay vào đó là quy định điện mặt trời tự sản tự tiêu chỉ tự sử dụng, không mua bán. Lại tranh cãi!

Mới nhất trong dự thảo trình Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất mua điện mặt trời tự sản, tự tiêu với giá 671 đồng/kWh. Mức giá và tỷ lệ mua 10% trên tổng công suất cũng đang nhận được các ý kiến trái chiều...

Có thể thấy, Bộ Công thương cũng đã rất cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp. Những sửa đổi sau đều cởi mở, tiến bộ hơn so với những quy định trước. Nhưng không khó để nhận ra, chúng ta đã và đang mất quá nhiều thời gian cho một vấn đề hết sức cấp bách, một chủ trương đã được Đảng, Chính phủ thống nhất ưu tiên khuyến khích, một xu hướng tất yếu của thế giới: phát triển điện sạch.

Tất nhiên, Bộ Công thương cũng có cái khó của mình để phải thận trọng bởi điện mặt trời mái nhà nếu phát triển ồ ạt, không kiểm soát có thể dẫn đến các vấn đề kỹ thuật, quá tải lưới điện... Thế nhưng, việc không cho, hạn chế hay mua quá rẻ... có thể dẫn tới lãng phí năng lượng sạch, không tối ưu được nguồn lực trong khi nguy cơ thiếu điện vẫn thường trực.

Đã có rất nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, rất nhiều phân tích, đề xuất kiến nghị của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng về các vấn đề này. Vì thế, ở góc độ quản lý, quan trọng nhất là đưa cơ chế, chính sách vào triển khai chứ không phải cứ bàn mãi.

Có thể bạn quan tâm