Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bàn giải pháp quản lý Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 25-8, tại thị xã An Khê, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị bàn về công tác quản lý Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.
Tham dự có bà Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo UBND, phòng, ban các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê. 
Năm 1991, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia với 17 di tích, chia thành 6 cụm, phân bố ở 3 huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Trong đó, trên địa bàn thị xã An Khê có 3 cụm gồm: cụm di tích Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho-Xóm Ké; cụm di tích Miếu Xà, Cây Ké phất cờ-Cây Cầy gióng trống và cụm di tích Gò Chợ, lũy An Khê, An Khê trường, An Khê đình.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh
Đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 93/QĐ-TTg. Ở lần xếp hạng này, Quần thể được bổ sung 3 cụm di tích là: cụm Gò Đồn, Gò Trại, Vườn Lính, Mễ Kho; cụm Núi Hoàng Đế; cụm Đình Cửu An, Dinh Bà, đều nằm trên địa bàn thị xã An Khê, nâng tổng số cụm di tích thuộc Quần thể lên 9 cụm. Đây là niềm vinh hạnh, tự hào, đồng thời cũng đặt ra những trọng trách lớn lao trong công tác quản lý, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá-lịch sử của di tích.
Tại hội nghị, các địa phương đã nêu lên những thực trạng, khó khăn hiện nay như di tích Hòn đá ông Nhạc tại huyện Đak Pơ đã được khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, vì vị trí của di tích nằm trong lòng suối nên chưa thể khắc phục được triệt để tình trạng bị đất, đá vùi lấp do mưa lũ và ứ đọng nước vào mùa mưa. Cánh đồng cô Hầu thuộc di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu tại huyện Kbang hiện có vị trí trũng thấp nên hàng năm thường bị mưa lũ san lấp, thu hẹp; địa điểm nằm sát khu vực canh tác của người dân nên dễ bị xâm lấn. Di tích Kho tiền ông Nhạc tại huyện Kông Chro hiện tại là một hốc đá bên bờ suối, cách nền nhà, Hồ nước ông Nhạc khoảng 3,5 km về phía Đông Bắc. Khu vực này giao thông đi lại khó khăn, các điều kiện hạ tầng thiết yếu, công trình dịch vụ, điện, nước chưa có, trong khi di tích ngày càng xuống cấp nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tại thị xã An Khê, các cụm di tích mới được bổ sung vào Quần thể di tích chưa được đầu tư. 
Trước những thực trạng đó, các địa phương có đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí để tu bổ, tôn tạo các di tích, cụm di tích chưa được đầu tư hoặc đầu tư còn hạn chế; khắc phục tình trạng di tích bị vùi lấp, xâm lấn... Các sở, ngành tham gia một số ý kiến liên quan đến quy hoạch, nguồn lực đầu tư, thành lập ban quản lý chung của Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; phát huy các di tích gắn với phát triển du lịch, nhất là huyện Kbang và thị xã An Khê…
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Dự thảo Quyết định đã được Sở Nội vụ thẩm định và thống nhất với hình thức, bố cục của dự thảo; các nội dung chính của dự thảo Quyết định phù hợp với quy định về quản lý, bảo vệ di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo không chỉ là tài sản tinh thần mà còn là tài sản kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Đông và cả tỉnh. Trước tiên, phải khẩn trương làm công tác quy hoạch đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Xác định rõ lộ trình đầu tư, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư; kết nối hạ tầng di tích, trọng tâm là hạ tầng giao thông. Các địa phương tiếp tục phát huy giá trị văn hoá lễ hội tạo sức sống bền vững cho di tích, tiến tới đưa vào khai thác du lịch. 
Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu và có những tham mưu cụ thể giúp UBND tỉnh về nội dung, thuộc lĩnh vực của mình; ngành Du lịch với thế mạnh của mình phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng những sản phẩm du lịch tương xứng với tầm vóc của di tích.
NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm