Thời sự - Bình luận

Bản lĩnh trước những cám dỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những “cám dỗ ngọt ngào” thực chất là cái bẫy chết người mà bất cứ ai thiếu bản lĩnh đều có thể bị sa vào.
Các bị cáo trong vụ Việt Á nghe toà tuyên án, chiều 12/1/2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Các bị cáo trong vụ Việt Á nghe toà tuyên án, chiều 12/1/2024. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án Công ty Việt Á đã khép lại với bao điều xót xa, thấm thía đối với tất cả người trong cuộc và những người liên quan. Bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, trong đó có cả những cựu lãnh đạo cấp cao là bài học không chỉ với riêng họ, mà còn là lời cảnh tỉnh những ai đang là “công bộc của dân” nhưng lại có những hành vi vụ lợi, không trong sáng.

Nhưng trong bức tranh màu xám ấy, có một vệt sáng khiến dư luận rất quan tâm và đồng tình ủng hộ, đó là việc cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự.

Sở dĩ ông Nguyễn Thành Danh được miễn trách nhiệm hình sự vì trong vụ án, ông không có “yếu tố vụ lợi”, “không tư lợi”, đã nhiều lần từ chối nhận tiền, “quà cảm ơn” của Việt Á và cũng đã cảnh báo nhân viên cấp dưới về việc này. Bản thân ông, mặc dù đã có thể nghỉ chế độ trước thời hạn nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát ở Bình Dương, khi được yêu cầu, ông Danh đã ở lại sát cánh cùng CDC Bình Dương chống dịch.

Tinh thần trách nhiệm với công việc và đạo đức công vụ trong sáng, “nói không” với “quà cảm ơn” – thứ có lợi trước mắt nhưng thực chất là “viên đạn bọc đường”, có thể dẫn đến “sai một ly, đi một dặm” là quyết định sáng suốt của ông Danh. Đó cũng chính là bản lĩnh của một người cán bộ lãnh đạo trước những “cám dỗ vật chất”, mà trong vụ án này, nhiều người đã không thể vượt qua được và phải trả những cái giá quá đắt.

Bản lĩnh đó không tự nhiên có được mà đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải khổ công rèn rũa, tôi luyện trong mọi hoàn cảnh, cả những lúc thuận lợi cũng như khó khăn, đặc biệt là trước áp lực, thách thức của công việc.

Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo, thì không chỉ cần có bản lĩnh mà đòi hỏi phải có “bản lĩnh chính trị vững vàng”, từ đó mới có thể sáng suốt đưa ra những quyết định đúng đắn, không nản chí trước thử thách, không dao động trước bất cứ sự cám dỗ nào.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Người cũng khẳng định, đạo đức là gốc, nền tảng của người làm cách mạng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Khi “cái gốc” bị lung lay thì bản lĩnh chính trị sẽ không còn được giữ vững. Như vậy, đạo đức cách mạng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Người cũng rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên được thể hiện qua “tính Đảng”, luôn “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”, là “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân”.

Việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cũng được Đảng ta đặc biệt chú trọng. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân”.

Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung…

Đặc biệt: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng”.

Mỗi cán bộ lãnh đạo phải thấm nhuần đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” khi thực thi công vụ. Chỉ khi thực hiện nhiệm vụ mà “chí công vô tư”, luôn trăn trở vì lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc thì sẽ tránh được vòng kim cô “lợi ích cá nhân”, “lợi ích nhóm” và không phải do dự hay băn khoăn mình “được, mất”, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.

Trên hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện, nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín; tỉnh táo, sáng suốt, tránh “rơi vào cạm bẫy”, kiên quyết không để mình bị cám dỗ do những “cái bẫy” giăng ra. Mỗi cán bộ lãnh đạo cũng cần có “điều răn” - không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của người dân.

Đây là những yêu cầu, đòi hỏi cũng là thước đo để xác định người cán bộ lãnh đạo đó có thực sự là “công bộc của dân”, là “rường cột” của đất nước hay không; nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Có thể bạn quan tâm