Kinh tế

Doanh nghiệp

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nỗ lực chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện và luôn lắng nghe để thấu hiểu, đồng hành cùng doanh nghiệp là quan điểm hành động của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai trong suốt thời gian qua.

Với mục tiêu công khai, chính xác, đúng pháp luật cũng như thực thi phương pháp tiếp cận chủ động về cung ứng dịch vụ công cho nhà đầu tư theo cơ chế “một cửa tại chỗ”, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai Kế hoạch số 3638/KH-UBND ngày 26-12-2023 của UBND tỉnh về kế hoạch cải cách hành chính năm 2024; Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024; Kế hoạch số 3640/KH-UBND ngày 26-12-2023 của UBND tỉnh về việc tuyên truyền công tác cải cách hành chính năm 2024. Theo đó, Ban đã xây dựng các kế hoạch kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 cũng như kế hoạch tuyên truyền công tác cải cách hành chính năm 2024.

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Cùng với đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Ban đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp thuộc thẩm quyền; đồng thời, nghiên cứu, cải tiến quy trình, cách thức, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo nhanh gọn, đúng pháp luật và hiệu quả.

Hiện nay, sau khi cập nhật thông tin về việc công bố bãi bỏ danh mục (gồm 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động thuộc thẩm quyền giải quyết), tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh là 36 thủ tục. Từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp nhận và giải quyết 15 thủ tục hành chính, trong đó 11 thủ tục giải quyết trước hạn, 1 thủ tục giải quyết đúng hạn, 3 thủ tục chưa đến hạn trả.

Không chỉ vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế còn nghiêm túc, tận tâm trong công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế thông qua Tổ tư vấn và hỗ trợ đầu tư. Đồng thời, Ban luôn quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo suốt dự án-từ khâu chuẩn bị đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh cho đến khi kết thúc dự án.

Riêng từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, hoặc những phần việc liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, của người lao động như: tham gia góp ý hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự thảo tờ trình, nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, xét duyệt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phổ biến thông tư quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; triển khai việc hỗ trợ để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh năm 2024; ban hành văn bản thông báo việc khảo sát nhu cầu cần đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực thực thi các Hiệp định FTA; thông tin về cuộc thi Vietnam Innovation Talent 2024 đến các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) và Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ)...

Hiện Khu công nghiệp Trà Đa có 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.684,3 tỷ đồng (tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2023), tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.790,2 tỷ đồng (tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2023), đạt 75,53% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm 7,94% tổng dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp), vốn đầu tư đăng ký là 493,825 tỷ đồng (chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Khu Công nghiệp) và vốn đầu tư thực hiện là 484,825 tỷ đồng (chiếm 17,27% tổng vốn đầu tư thực hiện tại Khu Công nghiệp).

Công nhân Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Ảnh: Hà Duy

Công nhân Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vận chuyển hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Ảnh: Hà Duy

Trong tổng số 63 dự án đầu tư tại đây, có 46 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án cơ bản đã hoàn thành xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện các điều kiện đi vào hoạt động sản xuất, 5 dự án đang xây dựng, 1 dự án đang làm thủ tục sau cấp quyết định chủ trương đầu tư và 4 dự án quá hạn điều chỉnh, thông báo chấm dứt hoạt động. Nhà đầu tư vào Khu Công nghiệp Trà Đa chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như: sản xuất đá granite, nông sản, gỗ...

Còn Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hiện có 40 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 643,87 tỷ đồng, vốn đầu tư ước thực hiện 266,55 tỷ đồng, đạt 41,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Khu Công nghiệp Nam Pleiku hiện đang được nhà đầu tư (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê) triển khai thi công giai đoạn 1 với quy mô 83,19 ha. Dự kiến trong năm 2024, hạ tầng giai đoạn 1 của dự án sẽ đủ điều kiện để tiếp nhận các dự án của nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào Khu Công nghiệp.

Không nhận được phản ánh, kiến nghị nào của cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động là mục tiêu quan trọng mà Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang nỗ lực, cố gắng đạt được không chỉ trong năm 2024 mà còn là mục tiêu xuyên suốt trong những năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm