Thời sự - Bình luận

"Bàn tay sắt" cho thị trường trái phiếu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp (DN) không chỉ có lợi cho người nắm giữ mà còn trở thành kênh dẫn vốn cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh, giúp nền kinh tế vận hành tối ưu; song nếu có sự lợi dụng, không chặt chẽ thì tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Thị trường trái phiếu thời gian qua chưa được kiểm soát chặt. Nhiều DN phát hành trái phiếu (bên vay) mà nhà đầu tư (bên cho vay) không biết chủ DN là ai, tình hình làm ăn ra sao, chỉ tin tưởng bên bán (ngân hàng, công ty chứng khoán). Nếu DN phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm thì có nguy cơ thành trái phiếu "rác" khi DN đó lợi dụng lòng tin bán giấy - lấy tiền.

DN huy động cả trăm, ngàn tỉ đồng qua trái phiếu nhưng ai giám sát tiền này về đâu, đầu tư thế nào, có sử dụng đúng mục đích? Trong hồ sơ phát hành, DN nói huy động tiền từ trái phiếu để đầu tư dự án nhưng có thật vậy hay đem tiền đổ vào địa chỉ khác, thậm chí có khả năng tất cả dự án đều là ảo? Chưa kể, có khi khoản tiền đi vay từ trái phiếu còn lớn hơn nhiều so với tài sản công ty.

Vấn đề là tại sao khi cho người dân vay tiền, ngân hàng yêu cầu thế chấp tài sản, trong khi họ lại dễ dàng mua trái phiếu DN có rủi ro cao? Liệu có phải khi nhận thấy DN nào đó không đáp ứng đủ điều kiện để cho vay, ngân hàng đã "lách" bằng cách làm giúp hồ sơ phát hành và mua lại trái phiếu của DN - đi một vòng thì tiền vẫn đổ về túi DN? Vậy DN phát hành trái phiếu có phải "bà con" của ngân hàng? Các ông chủ ngân hàng là ai và có quan hệ gì với DN chào bán trái phiếu?

Để mang đến sự tin cậy cho nhà đầu tư, thông thường, DN sẽ thuê ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đứng ra phát hành trái phiếu. Nhà đầu tư có thể chưa từng biết tên DN phát hành trái phiếu nhưng biết tới ngân hàng hoặc thấy công ty chứng khoán là "phe" của ngân hàng nên cũng tin tưởng mua.

Thực tế cho thấy các tổ chức này chỉ là bên cung cấp dịch vụ, hưởng phí, hoa hồng, chứ không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá năng lực tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành trái phiếu. Do đó, toàn bộ trách nhiệm hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn đều thuộc về DN phát hành. Nếu DN phá sản thì bên mua cắn răng chịu, không thể đòi tiền từ ngân hàng hay công ty chứng khoán.

Làm thế nào để việc phát hành trái phiếu đi vào lề lối? Trên thị trường trái phiếu ở các nước phát triển, DN muốn phát hành phải có tài sản bảo đảm, được xếp hạng mức độ uy tín, có quy trình để kiểm soát, giám sát việc đi vay. Vì thế, nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát để thị trường trái phiếu minh bạch, tránh việc ngân hàng thương mại bắt tay DN "sân sau" để rồi phát sinh nợ xấu. Những trái phiếu do công ty chứng khoán đứng ra phát hành cũng phải có báo cáo rõ ràng để người mua an tâm.

Khi thường xuyên được DN báo cáo tình hình tài chính, bên mua trái phiếu sẽ mạnh dạn cho vay tiền mà không cần biết mặt mũi "con nợ" vì đã có cơ quan nhà nước giám sát DN sử dụng tiền có đúng mục đích hay không. Do vậy, phải hành động để đưa trái phiếu DN trở nên thân thiện, an toàn hơn; để người dân có thêm kênh đầu tư, bên cạnh gửi tiết kiệm.

TS Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TP HCM)
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm