Bạn đọc

Bàn về "tiền bồi dưỡng" phỏng vấn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mới đây, chúng tôi phỏng vấn một nghệ nhân kể khan ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) để phục vụ cho bài viết. Sau khi xong việc, nghệ nhân hỏi tại sao không có “tiền bồi dưỡng”. Mức tiền đề nghị khiến chúng tôi khá bất ngờ và còn ngỡ là ông đùa.

Chị Ngô Thu-phóng viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-chia sẻ: Đây cũng là nỗi khổ của P.V đài huyện mỗi khi tác nghiệp. Chị cho biết, không biết tiền lệ từ đâu, nhưng vài năm trở lại đây, mỗi khi gặp gỡ các nghệ nhân hoặc người dân để phỏng vấn, P.V thường gặp phải tình huống khó xử này. Thậm chí, có nghệ nhân trước kia thường rất vô tư, nhiệt tình khi được P.V liên hệ phỏng vấn, nhưng bây giờ, không ít thì nhiều phải có chút tiền bồi dưỡng. Chị Thu trải lòng: “Thực tế khi đi làm việc, chúng tôi cũng rất muốn hỗ trợ chút ít cho đội ngũ nghệ nhân vì đa số họ đã già và có cuộc sống vất vả. Nhưng khổ nỗi, thù lao công việc của P.V đài huyện rất thấp, nếu mỗi chuyến tác nghiệp đều phải bồi dưỡng cho người được phỏng vấn, làm việc thì chúng tôi sống như thế nào?”. Còn anh Nguyễn Chi-phóng viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện thì bảo rằng: Khi anh liên hệ phỏng vấn thì được hỏi thẳng có tiền bồi dưỡng không. “Khi được giải thích rằng, chúng tôi cũng chỉ đi làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, bản thân không có tiền bồi dưỡng gì ngoài lương và nhuận bút thì nhân vật ngừng liên lạc, không thể gọi lại được. Nhiều lần như vậy đã gây không ít khó khăn cho công việc”-anh Chi nói.

Lý giải chuyện này, anh Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho biết, một số báo, đài Trung ương, nhất là Đài Truyền hình Việt Nam khi về địa phương làm việc thỉnh thoảng bồi dưỡng chút ít cho nhân vật được phỏng vấn. Nhưng đó thường là những chương trình lớn, công phu, có sự đầu tư thời gian, công sức, huy động nhiều người, có khi mất ngày công lao động của người được phỏng vấn. Mức thù lao này cũng được trao đổi và thống nhất trước giữa hai bên và thường P.V bỏ tiền túi ra để bồi dưỡng cho nhân vật chứ không phải kinh phí của cơ quan, đơn vị. Nhưng một số người sau khi nhận được khoản thù lao này thì xem đó là đương nhiên, hễ khi có P.V liên hệ làm việc là yêu cầu có tiền bồi dưỡng.

Gắn bó với vùng đất hạ lưu sông Ba hơn 20 năm, anh Mạo cho biết, người dân vùng đất này rất nồng hậu, chân tình. “Mỗi lần tôi về làng công tác, người dân rất quý. Có khi xong việc họ còn mời cơm, đãi rượu cần, có khi cho đùm gạo, quả đu đủ mang về. Do đó, trước vấn đề khó xử nêu trên, nhà báo cần giải thích cho người dân hiểu rằng báo đài địa phương chủ yếu làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền nên hoàn toàn không có nguồn kinh phí trả cho người được phỏng vấn”-anh Mạo nêu ý kiến.

Điều 40 Luật Báo chí năm 2016 quy định trả lời phỏng vấn trên báo chí như sau: “Người phỏng vấn phải thông báo trước cho người được phỏng vấn biết mục đích, yêu cầu và câu hỏi phỏng vấn; trường hợp cần phỏng vấn trực tiếp, không có sự thông báo trước thì phải được người trả lời phỏng vấn đồng ý…”. Luật Báo chí không quy định về việc phải trả thù lao cho người được phỏng vấn. Chúng tôi tin rằng, người dân nếu hiểu rõ những quy định và chức năng vai trò của báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, là diễn đàn của Nhân dân thì sẽ có ý thức hợp tác, tạo điều kiện để người làm báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Có thể bạn quan tâm