Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bâng khuâng... đàn cò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có những chiều khô tạnh, lòng hoang hoải chẳng rõ lý do, tôi lang thang ngoại ô TP. Pleiku. Trong không gian thưa vắng, nhiều cây xanh, quãng trống cùng nắng xiên, gió vờn giúp lòng mình thanh thản hơn. Nhờ đó mà độc thoại với nỗi cô đơn không thành tiếng; với kỷ niệm tuổi thơ đồng bãi đã thuộc về máu thịt có tiếc nuối ngậm ngùi, niềm vui tựa hồ gặp lại cố tri. Và, trong số những người bạn thân thương ấy, cánh cò trắng chấp chới ngược ánh ngày sao mà lay động!
Chỉ mỗi hai chú cò thôi, tôi xác tín sau nhiều lần trông thấy chúng đậu nơi lùm tre nứa đầu nguồn con suối Ia Kring. Chúng bay thấp, chậm dọc con suối trong nắng chiều dần khuất. Dẫu biết loài cò vốn ít lời; chậm rãi đến thanh thản từng bước đi, nhẫn nại trong cách tìm thức ăn. Mà 2 chú cò ở đây trông cô đơn quá đỗi từ dáng đậu cành mềm riêng, cổ rụt lại; uể oải giang cánh bay đi. Phải chăng, chúng muốn tìm trong giấc mơ màng mênh mông đồng ruộng, bờ tre xõa bóng, lạch nước trong veo luôn giữ được sự bình yên, thanh thản và tin yêu. Phải chăng, đôi cánh mềm trở nên chậm chạp bởi đang khát muốn “thẳng cánh cò bay” giữa bát ngát không gian cùng đồng loại hàng trăm, hàng ngàn xếp hình cánh cung thảnh thơi vỗ nắng gió bay về chốn bình yên, ấm áp tình người. Chúng buồn. Bởi giấc mơ tù đọng, không gian chật chội hay chính lòng tôi đang suy nghĩ vẩn vơ?
Chợt nghĩ đến độ mươi con cò trắng bị xiềng xích, trên mấy cồn đất nổi lên giữa vuông hồ làm tiểu cảnh ở một  nhà hàng. Chúng chừng như bất động trên nền cỏ xanh mặc xung quanh lúc nào cũng tấp nập người, hoạt náo âm thanh. Tôi biết, để làm trò tiêu khiển, tạo cảnh quan thôn quê, dân dã, thể hiện lối sống hài hòa với thiên nhiên… chúng bị cắt lông, tỉa cánh, chân bị sợi dây cố định, mắt bị khâu khép hờ. Những con chim cò kia chắc luôn nhớ nhung một bầu trời rộng lớn, nơi mà trước khi bị con người đánh bẫy thì chúng là người bạn thân thiết của nhà nông; được ngợi ca, ví von cùng bao tính từ, hình tượng đẹp đẽ trong văn học dân gian và hiện đại! Tiểu cảnh, tự nhiên thu hẹp hay nghệ thuật bị dối lừa?
 Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Dường như tôi đã nhìn thấy chúng, bay thành đàn độ vài mươi con ngang qua ngoại ô thành phố trong hoàng hôn vừa xuống, bình minh vừa rạng. Chúng đi, về từ những hàng tre, vườn cây, cánh rừng thưa vắng người. Chúng tự tin đảo vòng mấy lượt, đậu xuống cánh đồng lúa nước, vuông ao, dòng mương, bờ cỏ dại. Chúng nhẹ nhàng bay lên, từ từ đáp xuống, không lộ vẻ hốt hoảng khi có người đi qua. Nông dân-con cò là những người bạn thân thiết.
Tôi và nhiều người đã từng ngẩn ngơ trước đàn cò trên cánh đồng làng trong phố vào mọi thời điểm trong năm, thuộc chu kỳ sinh trưởng cây lúa. Đồng làng, có đàn cò trắng cảnh quan cũng đủ bảo đảm các yếu tố tự nhiên, cho chúng ta tâm thế thảnh thơi chẳng phải nhọc công lội tìm! Thì tại sao, những cạm bẫy biến “người bạn” hiền lành và tội nghiệp kia thành đặc sản, làm thú vui tao nhã vẫn còn tồn tại? Và tôi mong hình ảnh đàn cò trong lòng thành phố như là một câu chuyện góp phần giữ gìn, vun đắp nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cho đến mai sau!
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm