Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bâng khuâng miền tháng Chạp...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày tháng Chạp bâng khuâng, ta bước ra vườn trong cái se lạnh của mùa về. Đứng trước mảnh vườn nhỏ của mẹ, ta nghe lòng mình chấp chới những cơn say. Hương thơm bay khắp vườn, buồng chuối chín bói chim ăn đến gần hết quả, giàn mướp ra hoa vàng cả một góc vườn, những luống rau mướt xanh giữa làn gió bấc đuổi dồn. Ta dang tay hít căng lồng ngực hương vị nhà quê, mới hay nơi bình yên nhất vẫn luôn là nhà.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


 
Mẹ nhọc nhằn quang gánh sớm hôm, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để lo cho ta đến trường, để bước chân ta không vương muộn phiền khi làm người của phố. Ngọn đèn thấp thoáng hiên nhà dường như không soi rọi được nỗi lòng của mẹ. Mùa gió bấc về, chiếc áo mỏng không ấm nổi đêm dài, cơn đau nhức lại ùa về giữa đêm. Giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm, ta thấy mẹ ngồi lặng lẽ bên bếp lửa. Bóng mẹ đổ dài lên vách, mùi dầu gió hăng nồng khắp gian nhà. Mẹ lấy tay đấm lên khớp chân rệu rã cho những chuyến đi dặm dài mưa nắng. Ta ngồi đấm bóp cho mẹ, bàn tay đầy nốt chai sần vẫn vỗ về ta như ngày còn thơ. Mẹ vuốt tóc ta, đôi mắt hiền mênh mông vừa chạm tới đã thấy bình yên, “ngủ thêm chút nữa đi con”. Ta chẳng còn ngái ngủ nằm dài trên chân mẹ như xưa, ngồi nép sau áo mẹ nghe mắt môi mình rưng rưng. Những giọt nước mắt ấm nóng rơi trên áo mẹ, ta thấy mình khờ dại biết bao. Mẹ vội vàng che chắn cho ta “mèn đét ơi! Ngồi xích ra, khói cay mắt thấy mồ”. Ta vòng tay ôm mẹ khẽ hôn lên má, từng vết chân chim như xô vào nhau vội vã. Mẹ nhắm mắt hiền từ, giây phút đó, ta chỉ mong thời gian ngừng lại và cơn gió bấc ngoài kia đừng vội vàng thổi xiết.
 
Tháng Chạp về, ba đứng trước hiên nhà ngóng đợi từng bước chân quen. Người đàn ông ít chữ, cộc cằn cả đời không nói được một lời ngọt ngào dành cho mẹ, vẫn lặng lẽ vào ra bỏ lại ánh nhìn ấm áp. Mẹ vẫn thường nói “tính ba mày vậy đó”. Những lúc xa nhà, trong cuộc gọi về vội vã, ba vẫn đứng bên ngoài nghe ngóng từng lời của mẹ. Không dịu dàng như mẹ nhưng ba có cách thương con riêng của ba. Những chuyến quà quê căng đầy, mẹ gửi xe đò lên cho con. Có mớ rau ba lội bùn ra hái, có trái dừa khô ba vượt đồng trèo hái, có mớ khoai lang ba đào lúc làm đồng về. Túi quà quê căng đầy mà miệng ba cứ cằn nhằn “gửi ít vậy sao nó đủ ăn”. Rồi những ngày dịch bệnh triền miên, cả thành phố phong tỏa, người đàn ông trong ba bắt đầu yếu đuối. Ba cứ giục mẹ gọi cho ta từng chút một, dặn không biết bao nhiêu chuyện trên đời. Lần đầu tiên ba cầm điện thoại, câu nói đầu tiên đã làm ta không dám nói tiếp thêm bất cứ lời nào “về đi con, ở nhà không đói đâu mà con lo”.
 
Tháng Chạp về lại quê nhà, nghe trong cơn gió nồng nàn dư vị nhà quê. Đám trẻ nhà bên í ới gọi nhau ra đồng tát cá. Những xâu cá nặng oằn cùng với tiếng cười trong trẻo như dắt ta qua tháng ngày bình dị ở quê. Ngọn khói đốt đồng bảng lảng phía xa, thắp lên nền trời những khoảng trắng xa xăm như gieo vào lòng người một nỗi niềm khác lạ. Đám trẻ bắt đầu nướng cá, đứa bận bịu với rơm khô, đứa rọc lá chuối, đứa chạy về nhà lấy nước chấm. Không khí yên bình từ lâu ta không được nhìn thấy bỗng hiện ra trước mắt. Tự nhiên, nước mắt rơi giữa làn gió bấc nhẹ nhàng thổi qua. Ta hòa vào đám trẻ chạy khắp trên cánh đồng, lắng nghe từng ước mơ của lũ trẻ. Tưởng như mình đã vừa đi một đoạn đường rất xa. Mai đây, những đứa trẻ nhà bên sẽ tan vào thành phố. Định bụng sẽ kể cho chúng nghe về những ngày cô đơn giữa lòng đường chật ních người dưng, những lúc thèm hít hà mùi khói đốt đồng, thèm những đêm trăng sáng vằng vặc mà chẳng có dòng dây điện nào che khuất tầm nhìn. Nhưng thôi...
 
Khói cơm chiều bay lên từ mái lá, mẹ vẫn gọi ta trở về như hồi còn bé. Mâm cơm chiều đầm ấm mà theo cách nói của mẹ “chỉ cần nhìn con ăn cũng thấy no”. Mẹ nói tiền gửi về mua bếp gas mẹ còn giữ, tiền sửa lại nhà sau mẹ sắm vàng để dành. Ta khẽ quay đi giấu giọt nước mắt lăn dài trên má, ba nhẹ nhàng gắp cái trứng cá vào chén “hồi đó, bây thích ăn dữ thần”. Làn gió bấc bâng khuâng từ miền xa thẳm trở về trên hàng cây luống tuổi. Giề lá mục trên mái nhà bị gió cuốn đi, ba mẹ lại so vai vì làn gió bấc lạnh căm.
 
Một sớm tháng Chạp, có người vừa lợp lại mái nhà quê, mua thêm vài chiếc áo ấm. Căn nhà nhỏ qua bao mùa gió vẫn ấm áp đến lạ thường...

Theo NGUYỄN CHÍ NGOAN (baolamdong)

Có thể bạn quan tâm