Bạn đọc

Bằng mọi giá bạn phải vào đại học?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước ngưỡng cửa đại học, nếu muốn học lên cao, sự lựa chọn của học sinh năm cuối phải phù hợp với năng khiếu và năng lực học tập của mình - đó là lời khuyên của một số bạn đọc nước ngoài cho học sinh lớp 12.

 

Các bạn học sinh vẫn có nhiều lựa chọn cho tương lai, thay vì chỉ nghĩ đến tấm bằng đại học - Ảnh: TỰ TRUNG
Các bạn học sinh vẫn có nhiều lựa chọn cho tương lai, thay vì chỉ nghĩ đến tấm bằng đại học - Ảnh: TỰ TRUNG



Tôi dạy trường sư phạm, ngôi trường đào tạo người làm giáo viên các cấp tại Bỉ suốt cuộc đời mình. Theo kinh nghiệm của tôi cũng như đúc kết từ những chia sẻ mang tính đồng nghiệp với các lứa sinh viên mình đã đào tạo đang dạy trung học năm cuối, tôi thấy thế này:

Trước ngưỡng cửa đại học, nếu muốn học lên cao, sự lựa chọn của học sinh năm cuối phải phù hợp với năng khiếu và năng lực học tập của mình. Đừng đánh giá quá cao, cũng như không được đánh giá thấp bản thân.

Các bạn hãy tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt, nhất là những thông tin cần thiết về độ khó của những ngành học mình quan tâm, tỉ lệ trúng tuyển, các điều kiện và tiêu chí nhà trường lựa chọn. Các bạn học sinh hoàn toàn có thể cố gắng khắc phục kịp thời những điểm yếu của mình để nâng cao khả năng được chọn vào ngành học mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu việc vào đại học là một mục tiêu quá quan trọng, hãy lựa chọn ngành học mà bạn có cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Học lên cao để làm gì, học trường nào, ngành gì, điều quan trọng của quyết định là lắng nghe trái tim mình. Hãy để sự lựa chọn về ngành nghề của mình được truyền cảm hứng bởi những gì bạn thực sự muốn làm. Điều này tạo ra năng lượng tích cực, hữu ích để bạn kiên trì, bền bỉ trong quá trình học tập và xây dựng lối đi riêng cho mình trong tương lai.

Tôi muốn lưu ý cả các bậc phụ huynh và học sinh cuối cấp là hãy xem xét việc vào trường đại học hay không với một tinh thần cởi mở, linh hoạt. Còn có những khả năng khác của việc học lên cao hoặc tiếp tục học về lâu dài mà không cần phải thực hiện ngay hoặc chỉ bằng con đường duy nhất là học đại học. Đừng để những định kiến hoặc lời chê bai về trường nghề hay một ngành nghề nào, hay các hình thức học hỏi, trưởng thành khác mà hãy làm theo lời khuyên khách quan.

Cuối cùng, khi chọn lựa, hãy nghĩ đến những gì mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội trước thay vì chọn theo hướng cách nào kiếm tiền nhanh nhất. Thái độ vì xã hội này làm chúng ta trở thành người hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, đừng quên cân nhắc đến yếu tố cơ hội việc làm mặc dù đây là một yếu tố thay đổi nhanh chóng và chúng ta chẳng ai có thể chắc chắn về tương lai.


 

Bằng đại học không quan trọng bằng nỗ lực trong công việc

Vấn đề lớn nhất của Đài Loan là việc coi trọng bằng cấp quá mức. Trên thực tế, bằng đại học không quan trọng bằng nỗ lực trong công việc và chọn công việc phù hợp với mình. Có rất nhiều công việc không cần bằng đại học hay cao đẳng, nhưng lại cần có những kỹ năng khác, đặc biệt là những kỹ năng có thể học được ở các trường nghề. Làm tốt những công việc này vẫn có thể dễ dàng có được thu nhập ổn định để chăm lo cho gia đình.

Tuy nhiên, do quá nhiều người coi trọng bằng cấp mà hiện nay nhiều gia đình cố gắng bằng mọi giá để con cái họ có được bằng đại học. Điều này không chỉ xảy ra ở Đài Loan mà còn có thể thấy ở các nước phương Tây.

Chính vì đề cao bằng cấp mà Đài Loan, cũng như các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, hay Việt Nam, có một kỳ thi quốc gia vô cùng căng thẳng trước khi học sinh bước vào đại học. Dù mới 18 tuổi, những học sinh này đã phải cố gắng hết sức nhằm đạt được kết quả tốt để vào trường học tốt nhất trong sự kỳ vọng của cha mẹ, ông bà. Trong khi đó, có không ít học sinh không thật sự hứng thú với việc tiếp tục theo học đại học, thay vào đó họ muốn theo đuổi những ước mơ khác.

Nói cách khác, hệ quả của việc coi trọng bằng cấp ở Đài Loan là nhiều học sinh dù không thiết tha đi học vẫn tiếp tục theo đuổi bằng đại học, trong khi nhiều học sinh khác dù muốn học đại học lại không được học do kỳ thi cạnh tranh quá khốc liệt.

Suy nghĩ của một xã hội về giáo dục không thể thay đổi ngay nhưng với thời gian, tôi tin rằng các thế hệ sau sẽ trở nên cởi mở hơn với các cơ hội họ có.

LU LING KAI (người Đài Loan) - Hà My ghi


Tôi làm võ sĩ rồi mới vào giảng đường

Sau khi hoàn thành chương trình cấp III, tôi đã không theo học đại học vì ngay tại thời điểm đó tôi không nghĩ mình là một học sinh ngoan hay là học sinh gương mẫu, phù hợp với việc theo học đại học hay những bằng cấp khác.

Thay vào đó, tôi luyện tập để trở thành võ sĩ chuyên nghiệp. Tôi luyện tập và đến các nước để tìm hiểu những môn võ thuật khác nhau. Trong thời gian này, tôi đã đến Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Hà Lan. Khi 26 tuổi, tôi quay lại Mỹ để luyện tập và trở thành HLV. Sau vài năm, tôi quyết định đến Nhật để học đại học.

Có lẽ điều làm tôi thật sự nghĩ về việc quay lại trường để học đại học là lần tôi bị chấn thương và không thể thi đấu trong một thời gian dài. Khi ấy tôi tự thấy những kỹ năng tôi có không bền vững, đặc biệt khi có dấu hiệu tuổi tác và những lúc dính chấn thương. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy những người làm việc trong cùng ngành nghề với tôi gặp khó khăn trong công việc khi về già, nhiều người còn gặp khó về tài chính. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn theo học đại học để bản thân có thêm các cơ hội nghề nghiệp khác trong tương lai.

Nhiều người nghĩ rằng tôi quay lại học đại học đồng nghĩa với việc tôi ân hận thời gian đầu dành cho võ thuật, trái lại tôi rất biết ơn thời gian này. Đối với tôi, việc theo học đại học ngay sau khi tốt nghiệp cấp III có khi là thảm họa, vì tại thời điểm đó tôi còn quá trẻ để có thể biết được ngành nghề mình muốn theo đuổi. Ngoài ra, nếu học đại học lúc 19 tuổi, tôi vẫn sẽ giữ nguyên phương pháp và tâm lý học của một học sinh cấp III, tức là "học cho có, học cho xong" để dành thời gian làm những việc khác, thay vì có trách nhiệm và nghiêm túc trong việc ấy.

Nhờ thời gian đi làm và những trải nghiệm thực tế, tôi hứng thú với ngành tôi đang học, cũng như việc đến lớp mỗi ngày. Trong khi các bạn cùng lớp với tôi vẫn còn thiếu tự tin do chưa thật sự tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội và chưa thật sự hiểu rõ bản thân, tôi đã vượt qua những chuyện này và biết rõ mình muốn gì trong cuộc sống. Điều này khiến cho việc lựa chọn môn học cũng như định hướng nghề nghiệp sau này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

 

MIKHAIL ARISMENDI-KNUTSON (người Mỹ) - Hà My ghi

Theo HUGO BEUCKELEER (người Bỉ) - HỒNG VÂN ghi

Có thể bạn quan tâm