Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Bánh cốm xứ nẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những hạt cốm nhảy múa theo vũ điệu của tiếng nổ giòn lụp bụp vui tai trong chiếc chảo rang. Lũ trẻ chúng tôi ngồi bu quanh bếp, chống cằm háo hức đợi chờ được bưng những chiếc bánh cốm dâng lên bàn thờ bà nội. Và sau đó là được hít hà từng hạt cốm thơm lựng mùi mật mía ngọt lịm mà mỗi năm chỉ có một lần.
Quê nội tôi ở vùng lúa An Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây có những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh. Ba tôi kể rằng: Món bánh cốm đã theo chân nội tôi từ thời son trẻ. Khi về ở với ông, ngoài làm ruộng, những tháng nông nhàn, bà thường làm bánh cốm đựng trong đôi bầu gánh đi các ngả để bán. Nhờ vậy, bà tôi đã nuôi ba tôi cùng mấy cô, mấy bác nên người. Lớn lên, ba tôi lập nghiệp trên vùng đất An Khê. Tuy không còn giữ nghề của nội nhưng ngày giỗ nào ba cũng nhớ làm món bánh cốm dâng lên bàn thờ.
Hàng năm, vào tiết lập đông, ba tôi tự tay làm ra chiếc bánh để dâng lên ngày giỗ nội. Má tôi thì sàng sảy chọn những hạt lúa nếp no tròn. Ba bắc chiếc chảo gang lên bếp độn thêm một ít cát sạch dưới đáy, khuấy cho nóng lên mới cho hạt lúa nếp vào. Những hạt lúa nổ tung lên trắng nõn thành hạt cốm thơm lựng nở bung ra nhiều cánh như nụ hoa nhỏ xinh. Bên cạnh, má tôi cũng đã chuẩn bị rổ đậu phộng rang vàng ươm đưa vào thau lớn, trộn lúa nổ, rưới mật đường và nước gừng lên đảo đều.
Chiếc khuôn được làm bằng những thanh gỗ hình vuông, mỗi chiều chừng hai gang tay, cao chừng 20 phân, dồn cốm vào và dùng một thanh gỗ lọt lòng khuôn ép xuống. Khi đã nén hết cỡ thì lấy khuôn ra và dùng dao cắt thành ô nhỏ vuông vắn lốm đốm màu vàng của mật mía lẫn lộn hạt đậu phộng tô điểm trông rất bắt mắt.
Bánh cốm. Ảnh: C.T.V
Bánh cốm. Ảnh: C.T.V
Những chiếc bánh cốm được sắp lên đĩa đặt ngay ngắn ở giữa bàn thờ. Khấn xong, ba tôi rưng rưng kể lại: Mùa này năm ấy, trong lúc bà nội gánh đôi bầu cốm đi bán, mưa bão ập đến. Cả gia đình lo lắng, ba tôi leo lên nóc nhà nhìn tứ bề đồng nước giăng trắng xóa, chỉ thấy cây cối trôi cùng đàn gia súc, gia cầm. Ba và ông nội nóng lòng chèo thuyền chia nhau men theo con nước lặng đi tìm. Một ngày, rồi 2 ngày trôi qua, trả lời là những đọt tre quấn đầy rác, giữa bốn bề lặng im của ruộng đồng tả tơi nước cuộn. Gần 1 tuần sau, con nước rút dần, mọi người trở về gương mặt buồn thiu, ba và ông lại tiếp tục đi theo con đường bờ ruộng xuôi lần về phía biển. Đi đến đâu, ba cũng chỉ hỏi mỗi câu: “Ai thấy mẹ tôi đâu không?”. Mọi người nghe và cùng chia nhau đi tìm trong cặp mắt xót thương vô hạn. Đến ngày thứ 9, ông tìm được thi thể bà mắc kẹt trong một bờ tre, tay bà còn giữ chặt chiếc bầu đựng cốm.
Lúc bấy giờ, chúng tôi chỉ còn biết tưởng niệm bà qua hình ảnh của đôi bầu và những chiếc bánh cốm. Cầm chiếc bánh vuông vắn trên tay, tôi thương bà, thương mùi hương đất, thấy thấp thoáng hình dáng của bà dưới màu trời xanh, đội khoảng mây trắng bồng bềnh với tiếng rao ngọt ngào như từng giọt mật chảy đều trong bánh cốm, để qua thời gian quyện thành một thức món quê hương thân thương, gần gũi, giữ lại cho cháu con một khoảng trời quê hương.
Mỗi lần nhìn thấy người quảy đôi bầu với tiếng rao “Cốm đây”, tôi lại lặng người nhớ về chiếc bánh của bà. Chiếc bánh đã quảy đi cả vùng trời ký ức, trong đó có linh hồn của bà tôi, dòng họ tôi đã bám từng mảnh vườn, chéo ruộng để nuôi nhau lớn lên nhiều thế hệ. Tôi thầm nhắc nhở, cội nguồn là mạch sống vĩnh cửu, là linh hồn của mỗi người, khi đi xa cũng còn một ngăn của con tim dành để nhớ về!
Ngồi viết những dòng chữ này, nơi quê nhà Bình Định đang gồng mình ứng phó với lụt lội trắng đồng. Và câu chuyện về bánh cốm cũng là một ý niệm hướng về quê hương thân yêu với những kỷ niệm không thể quên của những người con xa xứ.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm