Xã hội

Đời sống

Bánh tráng: Món ăn dân dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có vài ràng bánh tráng gạo dự trữ trong nhà. Đó là món bánh tiện dụng, dễ dùng, chỉ cần nhúng qua nước sạch để một lát là có ngay một thức ăn nhanh, ngon. Bánh tráng ăn thay cơm hoặc nướng lên ăn cho vui khi lai rai vài chén cùng bạn bè.

Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy nhà có chiếc lò đắp bằng đất, nấu bằng chiếc nồi đồng đường kính chừng 40 cm trên bịt tấm vải. Nguyên liệu là bột gạo xay, khi thì bột mì. Chờ nồi nước sôi là múc từng vá bột bằng chiếc gáo dừa đổ lên khuôn, rồi cũng dùng chiếc vá đó tráng bột đều khắp mặt khuôn một lớp mỏng, đậy vung lại chờ một lát cho bánh chín. Sau đó, dùng một chiếc que nan tre xỉa ngang mặt khuôn để vớt chiếc bánh trải lên tấm phên đan bằng tre như chiếc dù được cắm lên chiếc cọc xoay được, chờ bánh ráo mới đem trải đều ra tấm phên tre dài vừa chừng 5-6 bánh, đem phơi khô. Khi bánh khô thì cất vào nhà, chờ đêm bánh mềm lại mới ép cho xẹp gọn, ràng dây thành chục chiếc cất vào kho, lẫm lúa hoặc thùng phuy để dành dùng dần.

Bánh tráng là món ăn ưa thích của nhiều người. Ảnh: Phương Vi

Bánh tráng là món ăn ưa thích của nhiều người. Ảnh: Phương Vi

Thời bao cấp, bánh tráng gạo là thứ rất xa xỉ. Xóm tôi ngày đó, nhà nào cũng có lò bánh tráng. Nguyên liệu làm bánh là bột mì. Củ mì đào về ngâm nước cho nhũn, dùng rổ thưa lót tấm màn tuyn đổ mì và nước vào chà. Khi bột lắng xuống thì thay nước nhiều lần để bánh có màu trắng và không bị hôi. Buổi sáng, ba má tôi ra đồng thường làm món bánh cuốn “2 sống, 1 chín”. 2 chiếc bánh sống nhúng nước làm vỏ cuốn, bánh nướng bẻ sắp vào trong, chính giữa cho nhân mít non luộc, rau, gia vị.

Năm 1980, 2 xã phía Tây của huyện An Khê (nay là thị xã An Khê) phát động phong trào khai hoang trồng mì để cứu đói. Đất mới màu mỡ, cây mì cắm xuống chưa đầy năm đã cho củ to. Người dân các xã trong huyện ai có nhu cầu cứ báo hợp tác xã tổ chức đi đào về ăn. Ai đào bao nhiêu thì phải chặt thân cây mì trồng lại khoảnh đất đó để năm sau có củ cho người đến sau. Vậy là, chiếc bánh tráng mì đã có mặt trong nhiều gia đình.

Chiếc bánh tráng cũng thường có trong mâm cúng, tiệc lớn nhỏ của gia đình quê gốc Bình Định. Chiếc bánh được rải mè dày lên mặt. Khi nướng lên phải quạt lửa than cho hừng. Tay cầm chiếc bánh, tay cầm que áp bánh lên than, trở bánh đều tay để chiếc bánh vàng rộm 2 mặt mới ngon, đứng xa vẫn nghe mùi thơm phức.

Ngày nay, lúa gạo dồi dào, nhiều gia đình cũng không còn tự tráng bánh, chỉ cần vào quán là đã có bánh tráng ràng từng chục để sẵn. Ngoài ra, các nhà sản xuất bánh tráng bằng máy cho ra hàng loạt, cắt thành hình vuông, lớn thì ăn nhúng hoặc nướng, nhỏ thì để cuốn chả ram. Tuy nhiên, bánh tráng bằng tay, bột gạo xay bằng cối đá vẫn đậm đà hơn cả. Những chiếc bánh tráng hôm nay còn là quà tặng của không ít người gửi tới anh em, bạn bè, con cái. Có lẽ thức món quen thuộc này cũng được nhiều người ưa thích như tôi.

Có thể bạn quan tâm