Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Báo chí đồ họa - xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xu hướng độc giả chuyển sang các nền tảng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và báo chí đồ họa là một 'vũ khí' lợi hại để tăng sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí.
Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 4/7, tại 79 Studio - Trường quay ảo của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Hà Nội), Đoàn Thanh niên TTXVN tổ chức tọa đàm “Vai trò của thông tin đồ họa trong chuyển đổi số báo chí".

Sự kiện có sự tham dự của Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng; Trưởng Ban Tuyên giáo Đoàn khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Xuân Khôi; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thông tin cùng các phóng viên, biên tập viên, đoàn viên thanh niên của TTXVN.

Ngày nay, xu hướng độc giả xa rời các nền tảng truyền thống, chuyển sang các nền tảng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Vì thế nếu muốn tồn tại, báo chí phải thực hiện chuyển đổi số và xa hơn là phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Việt Nam đã có một số cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như Báo Nhân dân, TTXVN, VTV, VOV, VietnamPlus, VnExpress, Zing…

Đoàn viên TTXVN đặt câu hỏi trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đoàn viên TTXVN đặt câu hỏi trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nhận định về mức độ chuyển đổi số của TTXVN, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Tuấn Hùng cho hay, hiện có hai xu hướng đánh giá: Một số coi rằng tất cả mọi việc TTXVN đã số hóa; một số khác lại đánh giá việc chuyển đổi số của TTXVN so với các cơ quan bên ngoài là rất chậm.

Hai cách đánh giá đều đúng. Vì nếu chuyển đổi về mặt hạ tầng, công nghệ thì TTXVN là đơn vị chuyển đổi rất sớm từ khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước; thông tin đồ họa được bắt đầu thực hiện từ năm 2006.

Tuy nhiên, thế mạnh nhất của chuyển đổi số là đưa được thông tin đến số lượng độc giả lớn nhất thì TTXVN hiện chưa hoàn thành được.

Độc giả của TTXVN vẫn là những độc giả truyền thống, chưa phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng; độ lan tỏa thông tin của TTXVN trên các nền tảng số vẫn chưa đạt yêu cầu.

Với vai trò là nguồn thông tin của cả hệ thống truyền thông và cơ quan Thông tấn Quốc gia, trong giai đoạn mới, TTXVN sẽ còn rất nhiều việc phải làm và cần có sự đổi mới.

Ngoài việc đầu tư về công nghệ, hạ tầng thì yếu tố rất quan trọng chính là con người - những phóng viên, nhà báo.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Hùng hy vọng thanh niên TTXVN với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, nhiều sáng kiến… sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có của đơn vị, phát huy sức sáng tạo của mình để mang lại hiệu quả thông tin cao nhất.

Chuyển đổi số phải gắn với đổi mới sáng tạo thì mới có thể mang lại hiệu quả thông tin trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, cho rằng chuyển đổi số báo chí là một xu thế tất yếu, diễn ra trên nhiều lĩnh vực như chuyển đổi số về mặt hạ tầng, tư duy, sản phẩm, kinh doanh…

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Khi tiến hành hỗ trợ các cơ quan báo chí châu Á-Thái Bình Dương về chuyển đổi số báo chí, các chuyên gia Hiệp hội Báo chí thế giới nhận xét, trở ngại lớn nhất của báo chí khu vực này là tư duy “text-based," tức là làm gì cũng chỉ nghĩ đến bài viết trước tiên.

Trước đây, chúng ta hay quen nói “vũ khí” mạnh nhất của nhà báo là cây bút, sau này thêm máy ảnh nhưng bây giờ, nhà báo có quá nhiều “vũ khí” tác nghiệp, nhiều cách để kể câu chuyện của mình như text, ảnh, dữ liệu, video, đồ họa.

Thông tin đồ họa chính là chuyển đổi số về sản phẩm và đôi khi trong nhiều cách “kể chuyện” thì kể bằng video hay đồ họa còn đem lại hiệu quả hơn. Do đó, các cơ quan báo chí cần có tư duy về sản phẩm, hơn là chỉ nghĩ đến con chữ như cách chúng ta vẫn nghĩ về báo chí.

Là một trong 7 đơn vị thông tin nguồn của TTXVN và là đơn vị duy nhất của TTXVN có riêng một phòng chuyên sản xuất tin đồ họa phục vụ thông tin của toàn ngành, Trung tâm Thông tin tư liệu và đồ họa hiện đang sản xuất 3 loại hình đồ họa tĩnh, động và tương tác.

Bà Cù Bảo Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu và đồ họa, chia sẻ ưu điểm của thông tin đồ họa là rất trực quan, sinh động, ngắn gọn nhưng lại “chứa” được nhiều dữ liệu thông tin, sắp xếp khoa học và dễ hiểu, đánh trúng được tâm lý của độc giả công nghệ hiện nay là muốn có cái nhìn bao quát, tổng quan để có thể tự so sánh, tự đưa ra nhận định, nhưng lại không mất quá nhiều thời gian để đọc và tìm hiểu.

Tuy nhiên, nhược điểm của thông tin đồ họa là tốn nhiều thời gian để chắt lọc, xử lý, tổng hợp thông tin để sản xuất. Các họa sỹ không chỉ biết sử dụng phần mềm đồ họa, có tư duy hình ảnh mà cũng phải có tư duy của người làm báo để thiết kế ra sản phẩm vừa đẹp, vừa khoa học, hấp dẫn và đáp ứng thị hiếu bạn đọc hiện đại.

Bà Cù Bảo Châu cho biết ngoài những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, đơn vị đang đẩy mạnh các thông tin chỉ dẫn để lan tỏa thông tin đến đông đảo cộng đồng.

Tại tọa đàm, các phóng viên, biên tập viên, họa sỹ đang trực tiếp thiết kế, sản xuất các sản phẩm đồ họa đến từ nhiều đơn vị của TTXVN đã cùng nhau chia sẻ về thực tế công việc của mình, cũng như cách thức thực hiện thông tin đồ họa tùy theo nhu cầu và điều kiện của mỗi người.

Trong thời gian gần đây, báo chí đồ họa được sử dụng ngày càng nhiều như một loại hình hiệu quả và cần thiết, nhất là đối với các lĩnh vực cần nhiều số liệu. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của các loại hình truyền thông mới, nhất là mạng xã hội thì báo chí đồ họa là “vũ khí” lợi hại của báo chí hiện đại.

Với việc thiết kế tùy biến mạnh mẽ trên nhiều loại thiết bị, báo chí đồ họa rất dễ hút giới trẻ đối với các bài báo tương tác và điều hướng hợp lý.

Trong tương lai, báo chí đồ họa vẫn là thể loại cạnh tranh và còn tiếp tục phát triển, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải liên tục đổi mới để theo kịp, đáp ứng thị hiếu của đông đảo người dân.

Có thể bạn quan tâm