Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Báo chí Gia Lai xung kích trên mặt trận chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 30-11, tại TP. Pleiku, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Báo chí Gia Lai với công tác phòng-chống dịch Covid-19” nhằm thảo luận, đề ra các giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, từ đó cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng-chống và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Tham dự hội thảo có các ông, bà: Võ Hoàng Bình-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế cùng Thư ký các chi hội nhà báo trực thuộc, đại diện một số cơ quan báo chí thường trú và các phóng viên, nhà báo tích cực trong công tác tuyên truyền phòng-chống dịch.  

Sẵn sàng đồng hành, dấn thân

Theo đánh giá của Hội Nhà báo tỉnh, dù đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp song đến nay, công tác ứng phó ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tất cả nhờ vào sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể người dân, trong đó có vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tích cực định hướng, tuyên truyền để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện “bình thường mới”.

 Phóng viên báo, đài Gia Lai tác nghiệp về phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Phóng viên báo, đài Gia Lai tác nghiệp về phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Hùng Hoa Lư


Theo đó, công tác tuyên truyền đã tập trung phổ biến các biện pháp phòng-chống dịch bệnh; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh; tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái; đồng thời, khẳng định cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát dịch Covid-19.

Nhà báo Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai-ghi nhận: Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền, cổ vũ, biểu dương nỗ lực của các y-bác sĩ, cơ sở y tế trong khám, xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân Covid-19; nỗ lực của các cấp, các ngành trong phát hiện, khoanh vùng, cách ly dập dịch; sự dấn thân không ngại hiểm nguy của đội ngũ phóng viên, nhà báo nơi tuyến đầu chống dịch; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của người dân trong phòng-chống dịch bệnh, góp phần lan tỏa những hình ảnh tích cực trong xã hội, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã phối hợp với các doanh nghiệp thông tin nhanh về khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu, phản ánh kịp thời sự sẻ chia của các Mạnh Thường Quân đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch. Nghĩa cử của các cá nhân, tổ chức từ thiện cùng những chuyến hàng cứu trợ… đã được báo chí tuyên truyền kịp thời, đậm nét, qua đó khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong toàn xã hội.

Không những vậy, báo chí còn lên án mạnh mẽ trước những tin đồn sai lệch gây hoang mang dư luận; thông tin các trường hợp bị xử lý để răn đe. Công tác truyền thông đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước để phòng-chống dịch thành công.

Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Văn Nhung-Thư ký Chi hội Nhà báo Báo Gia Lai-thông tin: Trong năm 2021, trên các ấn phẩm Báo Gia Lai có hàng ngàn đơn vị tin, bài, clip, phóng sự ảnh tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, thực trạng lây lan cùng các biện pháp phòng-chống dịch; khẳng định tinh thần chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm chiến thắng đại dịch. Với những nỗ lực vượt khó để thực hiện nhiệm vụ, năm 2021, Chi hội Nhà báo Báo Gia Lai vinh dự có 1 tập thể, 2 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Mới đây, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 cá nhân thuộc Chi hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Phóng viên báo, đài Gia Lai trong một chuyến tác nghiệp tại huyện Chư Păh. Ảnh: Phương Duyên
Phóng viên báo, đài Gia Lai trong một chuyến tác nghiệp tại huyện Chư Păh. Ảnh: Phương Duyên


Về phía Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, ngay sau khi xuất hiện dịch Covid-19, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của đơn vị đã thành lập Đội phản ứng nhanh tuyên truyền về phòng-chống dịch Covid-19. Nhờ đó, công tác thông tin, tuyên truyền của Đài về lĩnh vực này đã được triển khai một cách liên tục, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế; nội dung tuyên truyền đa chiều, chính xác, tạo dấu ấn sâu sắc. Với những thành tích xuất sắc, tập thể Đài, Phòng Thời sự cùng nhiều cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhà báo Đỗ Phúc Đức-Phó Trưởng phòng Thời sự-bày tỏ: “Vinh dự và tự hào hơn là Đài đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng vào công tác phòng-chống dịch Covid-19 dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, bền bỉ, nỗ lực từng ngày để vượt qua với quyết tâm chiến thắng đại dịch”.

Còn nhà báo Trần Hiếu-phóng viên Báo Thanh Niên, Thư ký Chi hội các báo thường trú thì khẳng định: Lực lượng báo chí thường trú luôn dấn thân, đồng hành cùng tỉnh Gia Lai trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Cả báo in, báo điện tử đến truyền hình đều không quản ngại khó khăn, gian khổ để phản ánh trực tiếp công tác phòng-chống dịch từ các huyện, thị xã, thành phố cho đến công tác điều hành ở cấp tỉnh với hàng ngàn tin, bài liên quan.

Trong khi đó, đại diện Chi hội Nhà báo Đông Gia Lai cũng chia sẻ nhiều cách làm hay, sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19. Tận dụng hệ thống loa truyền thanh được phủ sóng đến tận những buôn làng xa xôi nhất, Chi hội đã tổ chức tuyên truyền với tần suất dày đặc, tăng thời lượng phát sóng. Từ các nội dung được phát trên phương tiện truyền thông, Chi hội tiếp tục biên tập ngắn gọn kiểu hỏi-đáp, nhắc nhở, cảnh báo để chuyển đến từng nhà, từng ngõ xóm giúp người dân dễ tiếp nhận và thực hiện. Chi hội Nhà báo Tây Gia Lai cũng rất sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Ngoài hình thức tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Jrai) trên hệ thống loa truyền thanh không dây được lắp đặt tới tận các buôn làng, Chi hội còn copy nội dung vào USB để đưa vào loa mi ni, sau đó dùng xe máy chở loa đi từng ngõ ngách để tuyên truyền; sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi song trên thực tế, các phóng viên, nhà báo cũng gặp một số khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Trao đổi về vấn đề này tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Thị Như Nguyện-Chi hội Nhà báo Báo Gia Lai, người có 15 năm làm công tác tuyên truyền ở mảng y tế-nêu thực tế: Đa số phóng viên chưa được tập huấn về công tác phòng-chống lây nhiễm chéo; thiếu đồ bảo hộ khi tác nghiệp ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, do Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh có nhiều quy định nghiêm ngặt nên thời gian qua, phóng viên các báo, đài chủ yếu tác nghiệp vòng ngoài chứ chưa có cơ hội dấn thân ghi nhận thực tế tại các cơ sở cách ly, điều trị. Liên quan đến nội dung trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam khẳng định: Sở ghi nhận những ý kiến trên và sẽ tổ chức tập huấn phòng-chống lây nhiễm nếu phóng viên đăng ký. “Chúng tôi hết sức ủng hộ các bạn tham gia cùng đội ngũ y tế đi tác nghiệp tại vùng dịch hoặc các cơ sở cách ly, điều trị. Tới đây chúng tôi sẽ bố trí để tổ chức những chuyến công tác như đề xuất”-ông Nam nói.

Nhà báo Huỳnh Kiên-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Gia Lai:
 

 

Cùng với sự định hướng đúng đắn, cung cấp thông tin kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền kịp thời đến người dân, tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Những thông tin xấu độc, dư luận trái chiều trên mạng xã hội đã nhanh chóng bị đẩy lùi, niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng được củng cố vững chắc.

Sự dấn thân, không ngại hiểm nguy của đội ngũ phóng viên, nhà báo nơi tuyến đầu chống dịch đã khắc họa, phản ánh kịp thời sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân trong phòng-chống dịch Covid-19, góp phần lan tỏa những hình ảnh tích cực trong xã hội.

Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
 

 

Nhằm hỗ trợ các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền phòng-chống dịch, Sở đã chủ động cập nhật các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh Covid-19 để đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị và chuyên mục “Phòng-chống dịch bệnh Covid-19 (nCov)”. Hàng ngày, Sở đều tham mưu thực hiện các thông báo về công tác phòng-chống dịch Covid-19, đến nay, đã thực hiện hơn 230 thông báo nhằm thông tin kịp thời về tình hình phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cho đội ngũ những người làm báo thông qua nhóm Zalo “Phóng viên Gia Lai”; thông tin đến toàn dân thông qua mục “Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai”; trang fanpage “Gia Lai chung tay phòng-chống dịch”.

Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế:
 

 

Thời gian qua, báo chí, truyền thông đại chúng luôn đồng hành cùng ngành Y tế, tạo được sự tham gia, hưởng ứng tích cực và tinh thần đồng thuận của người dân trong công tác phòng-chống dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng; phát huy vai trò giám sát nhằm nâng cao tính chủ động trong quản lý và khống chế dịch bệnh. Bên cạnh phát huy hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lực lượng, các phương tiện, ngành xác định rõ ngay từ đầu: “Thắng truyền thông mới thắng được dịch”. Vì vậy, chúng tôi luôn chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách thường xuyên, kịp thời, minh bạch, huy động sức mạnh tổng thể của báo chí cách mạng Việt Nam; kết hợp đa dạng các hình thức truyền thông để tạo nên một chiến dịch truyền thông phòng-chống dịch thực sự ấn tượng và hiệu quả.


 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm