Bên cạnh việc phản ánh các vấn đề tiêu cực, báo chí hiện đại cần lắng nghe thông tin từ nhiều phía để có cách viết khách quan và tập trung vào việc tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Các phóng viên báo chí cần dấn thân để đẩy lùi những tiêu cực trong xã hội. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Trước sức ép từ truyền thông xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình” bằng việc chạy đua theo những dòng tin tiêu cực, khai thác sâu những bi kịch trong xã hội, miễn là đạt được mục tiêu thu hút độc giả.
Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý đang nói nhiều đến xu hướng “báo chí giải pháp” (solutions journalism), "báo chí truyền cảm hứng” (inspirational journalism) hay tin tức kiến tạo (constructive news).
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Báo chí kiến tạo” để các chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực đang lan tràn.
‘Bội thực’ thông tin tiêu cực
Tại hội thảo, các diễn giả đã chỉ ra rằng việc báo chí đưa tin tiêu cực quá nhiều khiến cho độc giả cảm thấy bi quan về xã hội, dần dần có xu hướng lảng tránh tin tức. Thực tế, trong dư luận cũng có ý kiến châm biếm rằng “trên báo đầy rẫy thông tin về thực phẩm bẩn, vậy muốn ăn ngon thì bỏ đọc báo (?!)”
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet dẫn ra một số ví dụ như các bài báo tiêu cực về kinh tế, vụ án tham nhũng hay học sinh tự tử, xoáy sâu vào vấn đề để thỏa mãn sự tò mò của một bộ phận độc giả.
“Những thông tin này không phải là tin giả và bạn đọc phần nào đó cũng cần được biết về những vụ việc này song dung lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống,” nhà báo Nguyễn Văn Bá nêu vấn đề.
Việc báo chí đưa tin tiêu cực không chỉ ảnh hướng xấu đến độc giả mà còn gây mất lòng tin với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Phân tích khía cạnh này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra những vụ báo chí đăng tải thông tin sai lệch về sản phẩm, dịch vụ khiến doanh nghiệp khốn đốn; hành vi “tống tiền”, “đánh đấm” doanh nghiệp của một số phóng viên kém đạo đức; sự yếu kém và chậm trễ của hệ thống tư pháp trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…
“Dưới con mắt của các nhà đầu tư, tất cả những vấn đề nói trên đều được tính toán là rủi ro. Với những nhà đầu tư lớn và kỹ tính, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thì họ càng e ngại việc kinh doanh ở Việt Nam,” ông Đậu Anh Tuấn nói.
Trưởng Ban pháp chế của VCCI nhận định rằng vai trò của báo chí rất lớn, doanh nghiệp cần báo chí nhưng báo chí cũng có thể đang làm cho môi trường đầu tư và kinh doanh trở nên rủi ro hơn và đắt đỏ hơn.
Ông Đậu Anh Tuấn bày tỏ mong ước rằng doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau bởi báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác nên hướng tới một mục tiêu chung để xã hội phát triển tốt đẹp hơn.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho rằng báo chí xây dựng (hay báo chí giải pháp) là xu hướng giải quyết tình trạng “lá cải hóa”, “giật gân câu view” và định kiến tiêu cực ngày càng tăng trong báo chí hiện đại.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
“Chúng tôi tin rằng báo chí không chỉ là công cụ để đưa tin về thế giới xung quanh, mà còn góp phần làm thay đổi nó, theo hướng tích cực,” nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nêu quan điểm.
Chia sẻ về mô hình “báo chí kiến tạo” tại VietnamPlus, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho hay tòa soạn đặt ra yêu cầu với phóng viên là phải tập trung vào giải pháp. Nghĩa là phóng viên có thể đi sâu “xới xáo” vấn đề, phơi bày thực trạng, nhưng cũng cho thấy có giải pháp khắc phục.
Trong quá trình thực hiện tin bài, phóng viên phải đảm bảo tính cân bằng, không cường điệu hóa, không để cảm xúc dẫn dắt, không phóng đại nỗi sợ hãi, gây hoang mang dư luận.
Thêm vào đó, các tuyến bài phóng sự điều tra của Báo Điện tử VietnamPlus luôn có ý kiến từ cơ quan quản lý, ngay cả đối tượng bị phản ánh cũng được lên tiếng.
“Báo chí hay nhà báo không phải là quan tòa để có thể đưa ra phán xét, do đó, chúng tôi luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía, kể cả từ đối tượng đang bị phản ánh. Về phương hướng giải quyết vấn đề, phóng viên sẽ xin ý kiến cơ quan chức năng và các chuyên gia có liên quan,” ông Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.
Đóng góp giải pháp để xây dựng một nền báo chí kiến tạo, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) đề xuất thành lập quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ hỗ trợ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc và những cơ quan báo chí hoạt động lành mạnh, có chất lượng cao.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tán thành ý tưởng này. Ông Huế cho rằng nghề báo cực kỳ vất vả, nguy hiểm. Do đó, muốn phát huy vai trò, nhiệm vụ của báo chí thì trước tiên phải giải quyết và nâng cao được cuộc sống của các nhà báo và cơ quan báo chí.
Ông Huế cũng cho rằng Việt Nam đang thiếu cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí kêu gọi tài trợ, quảng cáo. Do đó, Luật Tài trợ cần sớm được Quốc hội thảo luận và ban hành để các cơ quan báo chí có cơ sở pháp lý để triển khai, không sa vào các hành vi tiêu cực.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý với đề xuất của Cục Báo chí, cho phép xây dựng Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trung tâm sẽ kết hợp với các công ty công nghệ, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để từ đó tạo ra nguồn thu và kinh tế báo chí.
Theo bà Mai Hương Giang, Cục Báo chí thường xuyên tiến hành đo quét, khảo sát và nhận thấy rằng những bài viết được chia sẻ nhiều nhất thường có yếu tố liên quan đến vụ việc tiêu cực. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu con số tỷ lệ bài viết liên quan đến vấn đề tiêu cực cần ở mức dưới 10%, vì nếu cao hơn sẽ tin tiêu cực trở thành dòng chảy chính.
Lấy dẫn chứng về tuyến thông tin COVID-19, bà Giang cho hay giai đoạn đầu đại dịch xuất hiện tại Việt Nam, có khoảng 30-40% tổng số tin bài trên các báo là về dịch bệnh. Đây là giai đoạn của báo chí phản ánh.
Đến giai đoạn tiếp theo, khi đã có vaccine, báo chí chuyển sang hướng dẫn cho người dân về tiêm vaccine, phòng bệnh… đó là báo chí hướng dẫn. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phục hồi sau dịch, lúc này báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo phát huy vai trò.
“Qua công tác đo quét, chúng tôi nhận thấy báo chí giải pháp sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý và mang lại những câu chuyện mà xã hội cần. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải xây dựng niềm tin cho người đọc về một cuộc sống tốt đẹp”-bà Giang nhấn mạnh.
Theo Minh Thu (Vietnam+)