Xã hội

Đời sống

“Bao công” của làng Tung Breng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhờ am hiểu pháp luật, phong tục địa phương, bà Rơ Châm Phial (SN 1945, làng Tung Breng, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được người dân ví như “Bao công” phân xử các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng. Bà còn là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Trò chuyện cùng bà Phial trong căn nhà rộng rãi, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và nhiệt huyết của bà đối với công việc chung của địa phương. Bà Phial cho biết: Bà từng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Phó Chủ tịch UBND xã. Từ năm 1993 đến nay, sau khi nghỉ hưu, bà là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi kiêm già làng Tung Breng. Đảm nhận trọng trách này, bà Phial thường xuyên tuyên truyền, vận động dân làng chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, khi trong làng xảy ra vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, bà luôn đứng ra hòa giải thấu tình đạt lý.

Bà Rơ Châm Phial. Ảnh: R'Ô HOK

Bà Rơ Châm Phial. Ảnh: R'Ô HOK

“Mình không nhớ là đã phân xử bao nhiêu vụ việc xảy ra trên địa bàn sinh sống và ở một số xã lân cận, tính sơ sơ thì 1 năm hòa giải thành công 15-20 vụ. Điểm chung của các vụ việc này là đều phát sinh từ những mâu thuẫn trong cuộc sống như: mâu thuẫn vợ chồng; tranh chấp hàng rào, lối đi giữa hàng xóm láng giềng; uống rượu gây gổ đánh nhau... Tuy vậy, nếu không giải quyết kịp thời sẽ trở nên phức tạp dẫn đến tranh chấp, kiện tụng, gây mất đoàn kết và trật tự an toàn xã hội. Mình làm công việc này cũng khá vất vả, thù lao không được bao nhiêu nhưng mỗi lần hòa giải thành công, mình rất vui”-bà Phial chia sẻ.

Mới đây, bà Phial đã hàn gắn tình cảm cho vợ chồng ông bà Rơ Châm Puih-Rmah Kheh (làng Tung Breng). Chuyện là, ông Puih thường la cà uống rượu, cứ say xỉn là về đánh đập vợ con. Thấy chồng say miết, không chịu làm ăn nên bà Kheh bực mình, nói năng nặng lời. Biết chuyện, bà Phial đến hòa giải. Cùng với việc đề cập đến những quy định của pháp luật về các hành vi bạo lực gia đình, bà còn nhẹ nhàng khuyên bảo vợ chồng ông Puih phải cảm thông, chia sẻ với nhau, cùng làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Hiểu ra vấn đề, từ đó, vợ chồng ông Puih chung sống hòa thuận, chăm lo làm ăn.

Hay như chuyện ông Lê Văn Toàn và bà Rơ Châm Blip (cùng làng Tung Breng) do không tìm được tiếng nói chung nên dẫn đến mâu thuẫn cãi vã. Cách đây vài năm, trong lúc ông Toàn chặt cây muồng, toàn bộ cây đổ ngã xuống vườn của bà Blip, làm hư hỏng tường rào, gãy đổ 5 gốc cà phê. Quá bức xúc, bà Blip yêu cầu ông Toàn bồi thường thiệt hại nhưng ông này không đồng ý. Từ đó, đôi bên xảy ra xích mích. Nắm được tình hình, bà Phial đến tận nhà trò chuyện, phân tích, xác định thiệt hại do ông Toàn gây ra là 3 triệu đồng. Sau khi thống nhất bồi thường, được cởi bỏ những khúc mắc và thống nhất thiệt hại bấy lâu, ông Toàn và bà Blip bắt tay làm hòa.

Bà Blip bộc bạch: “Ông Toàn chặt cây ngã đổ xuống đè gãy cà phê, tường rào của gia đình. Tôi ấm ức nên có những lời nói quá mức, gây sứt mẻ tình cảm láng giềng. Sau khi nghe bà Phial khuyên giải, tôi và ông Toàn đã hiểu ra và làm lành với nhau”.

Không chỉ là điểm tựa vững chắc để hòa giải những mâu thuẫn trong làng, bà Phial còn là điển hình làm kinh tế giỏi. Bà Phial kể: Sau khi lập gia đình, do thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, từ vốn liếng tích góp nhiều năm, bà đầu tư trồng cao su, hồ tiêu. Nhờ tích cực lao động sản xuất, kinh tế gia đình bà Phial ngày một khấm khá. Đến nay, bà sở hữu 4 ha cao su, 700 trụ hồ tiêu; sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà thu về hơn 100 triệu đồng.

Bà Rơ Châm Phial (bìa trái) trao đổi công việc với người dân. Ảnh: R'Ô HOK

Bà Rơ Châm Phial (bìa trái) trao đổi công việc với người dân. Ảnh: R'Ô HOK

Ông Rmah Úy-Trưởng thôn Tung Breng-cho hay: Làng có 83 hộ/328 khẩu, hơn 90% là người Jrai. Bà Phial sống rất gần gũi với bà con. Tại các cuộc họp làng, bà thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Đối với những hộ gia đình khó khăn, ốm đau, bà hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền bạc. Ngoài ra, từ những kinh nghiệm có được trong cuộc sống, bà luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, làng chỉ còn 9 hộ nghèo.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Thon-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krai-cho biết: Toàn xã có 15 tổ hòa giải với 60 hòa giải viên. Năm 2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận, hòa giải thành công 68 vụ việc. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi kiêm già làng Tung Breng, bà Phial cũng đã hòa giải nhiều vụ việc xảy ra trong cộng đồng.

Với đóng góp của mình, bà 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư giai đoạn 2014-2018 và giai đoạn 2020-2022. Năm 2022, bà được Giám đốc Sở Tư pháp tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022.

Có thể bạn quan tâm