Xã hội

Gia đình

Nay Kai-Hòa giải viên “hai giỏi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã bước sang tuổi 67 nhưng ông Nay Kai (buôn Hiao, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) vẫn rất nhiệt tình với công tác xã hội. Không chỉ là hòa giải viên công tâm, ông còn là gương sáng trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con cháu.

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, ông Nay Kai tự hào giới thiệu những giấy khen được treo trang trọng trong ngôi nhà sàn khang trang. Đó là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của ông cho công tác xã hội. Năm 20 tuổi, sau khi học xong bổ túc văn hóa, ông Kai được phân công làm Xã đội trưởng. Năm 1986, ông bắt đầu phụ trách công tác Mặt trận thôn. Năm 2020, dù đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng với sự tín nhiệm của bà con trong buôn, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội với vai trò người uy tín, hòa giải viên. Nhờ không ngừng học hỏi nên ở bất kỳ vị trí công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được bà con yêu quý, tin tưởng.

Theo ông Kai, khó khăn nhất trong công tác hòa giải là phải am hiểu pháp luật.Vì vậy, mặc dù tuổi cao nhưng ngay sau khi đảm nhận nhiệm vụ, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn do Phòng Tư pháp thị xã Ayun Pa tổ chức. Sáng sớm hay chiều muộn, ông tranh thủ thời gian đến các gia đình xảy ra mâu thuẫn, tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người để có cách giải quyết hợp lý nhất. “Đi một lần không được thì đi 3-4 lần, đến khi giải quyết được mới thôi. Khó chỗ nào, gỡ chỗ đó, với các vụ việc phức tạp, tôi nhờ cán bộ tư pháp, địa chính, Công an xã đi cùng giúp đỡ. Trong năm 2022, tôi đã giải quyết thành công 12 vụ xích mích trong buôn”-ông Kai chia sẻ.

Ông Nay Kai (bìa phải, buôn Hiao, xã Chư Băh) trao đổi với người dân kinh nghiệm phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái. Ảnh: Vũ Chi

Ông Nay Kai (bìa phải, buôn Hiao, xã Chư Băh) trao đổi với người dân kinh nghiệm phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái. Ảnh: Vũ Chi

Cũng theo ông Kai, các vụ việc mâu thuẫn trong buôn chủ yếu là tranh chấp đất đai và xích mích vợ chồng. Nhiều người vốn là họ hàng nhưng chỉ vì vài mét đất mà tranh giành, xô xát, coi nhau như kẻ thù. Với những trường hợp này, sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, ông nghiên cứu Luật Đất đai và đưa ra cách giải quyết sao cho cả hai bên cùng có lợi. Nếu hai bên bằng lòng, ông sẽ lập biên bản để cùng ký cam kết. Trong biên bản ghi rõ nếu bên nào vi phạm, để xảy ra xích mích lần nữa sẽ bị xử phạt cắt 5 m đất cho người kia. Nhờ vậy, các bên đều nhận thấy giá trị của lời hứa, cùng giữ lại bản cam kết như một ràng buộc không bao giờ vi phạm.

Trong khi đó, xích mích vợ chồng thì muôn hình muôn vẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do người chồng thường uống rượu, say xỉn rồi về nhà đánh đập, chửi bới vợ con. Nhiều trường hợp ngoại tình cũng dẫn đến xung đột không thể giải quyết buộc phải nhờ đến sự can thiệp của hòa giải viên. Đơn cử như trường hợp của anh Ksor Jê và chị Nay H’Đoer. Anh Jê thường xuyên uống rượu, không chịu đi làm khiến vợ chồng mâu thuẫn. Nắm được tình hình, ông Kai tìm cách gặp riêng từng người để lắng nghe tâm tư. Sau đó, ông khéo léo thuyết phục anh Jê, đã là trụ cột của gia đình thì phải chịu khó làm ăn chăm lo cho vợ con. Có như vậy mới thoát nghèo, con cái tự hào, bà con làng xóm ngưỡng mộ. Ông cũng phân tích để chị H’Đoer hiểu được vai trò của người vợ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình; con cái sẽ là người bị tổn thương nhiều nhất khi cha mẹ mâu thuẫn. Mưa dầm thấm lâu, vợ chồng anh Jê cùng cam kết sửa sai, hòa thuận, bảo ban nhau làm ăn vươn lên thoát nghèo. “Nhờ có ông Kai mà vợ chồng tôi hiểu và thông cảm cho nhau, cùng nhau cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo và nuôi dạy con cái”-anh Jê nói.

Theo tập tục của người Jrai, sau khi mâu thuẫn được giải quyết, bên có lỗi sẽ phải đền bù cho bên kia trâu, bò để tạ lỗi. Ông Kai hiểu tập tục này khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Nhiều hộ phải vay mượn để tạ lỗi nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Khi đảm nhận nhiệm vụ hòa giải viên, ông phân tích để bà con thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, từ chỗ phạt 1 con trâu, con bò giảm xuống phạt 1 con heo hoặc con dê. Thêm vào đó, hai bên gia đình sẽ làm mâm cơm, cùng nhau uống một ghè rượu chung vui, tạo sự hòa thuận, vui vẻ. Ngược lại, trong biên bản cam kết, nếu bên nào vi phạm sẽ phạt nặng hơn để răn đe. “Quan trọng nhất là sau khi hòa giải, bà con thay đổi nhận thức, biết được cái sai để sửa, gia đình, làng xóm hòa thuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”-ông Kai tâm niệm.

Không chỉ khéo léo trong giải quyết các xích mích trong buôn, ông Kai còn là gương điển hình trong làm kinh tế và nuôi dạy con cái. Với hơn 5 ha mì, mía, 5 con bò, 3 con heo nái, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng. Ông quan niệm chỉ có cái chữ mới giúp đồng bào mình bớt khổ. Vì vậy, tuy cuộc sống trước đây gặp nhiều khó khăn, ông vẫn luôn động viên, khuyên bảo con cái học hành. Hiện 6 người con của ông đều có việc làm ổn định, là cán bộ của xã, thôn, được mọi người nể trọng.

Ông Rcom Tam-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Băh-đánh giá: Ông Nay Kai là hòa giải viên “hai giỏi”. Nhờ ông, nhiều vụ việc xích mích trong buôn được giải quyết kịp thời, tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con biết cách làm ăn, nuôi dạy con cái nên người. Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Có thể bạn quan tâm