Phóng sự - Ký sự

Báo động hồ, đập mất an toàn: Hiểm họa treo trên đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nếu đập bị vỡ, lượng nước đổ về sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản người dân sống vùng hạ du và ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số công trình công cộng khác
Hồ chứa nước Dạ Lam ở xã Thái Thủy có vị trí trọng yếu tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Hồ được xây dựng từ năm 1986, dung tích 0,45 triệu m3, có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tưới tiêu cho gần 1.000 ha lúa, hoa màu; cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân và giúp ngăn lũ cho vùng hạ du của nhiều xã phía Nam huyện Lệ Thủy. Sau gần 35 năm hoạt động, hồ Dạ Lam đã xuống cấp trầm trọng.
Đập có thể vỡ bất cứ lúc nào
Theo ghi nhận của phóng viên, hồ bị bùn đất bồi lắng, cỏ mọc um tùm, do thân đập yếu và được xây dựng quá lâu nên bị thấm nước, cống bị xói lở gây hư hỏng, nhiều nơi xung quanh đập xảy ra hiện tượng sụt lún, xuống cấp trầm trọng. Người dân nơi đây cho biết chỉ một trận mưa lớn là nước tràn qua đê khiến nguy cơ vỡ đập luôn thường trực.
Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, cho hay trận lũ lịch sử vừa qua, huyện và xã phải cử người theo dõi 24/24 giờ; huy động 3 máy múc khơi thông dòng chảy, mở rộng tràn đê nhằm hạ mực nước trong hồ, giảm áp lực nước lên thân đập. Đồng thời di chuyển khoảng 150 hộ dân sống dưới chân đập và tài sản đến nơi an toàn. Một nguy cơ khác là tuyến đường sắt gần đó sẽ bị xé toang nếu đập vỡ, gây thiệt hại lớn. Việc phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp là rất cấp bách" - ông Văn nói.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, ngoài hồ Dạ Lam, Cây Gạo, một loạt hồ, đập chứa nước khác của tỉnh: Học Chọ (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn), Cửa Nghè (xã Hạ Trạch) và Hung Dũ (xã Hưng Trạch) của huyện Bố Trạch, hồ Trởm (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh)... đều bị xói lở và thấm nước qua thân đập rất nặng, nguy cơ lún sụt, vỡ đập khi lũ về rất cao. Nguy cấp nhất vẫn là đập nước ở Cây Gạo (xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch), hồ này đã trên 25 năm sử dụng, nhiều hạng mục như thân đập, cống... đã bị mục, sụt lún. Nguy cơ vỡ đập đe dọa tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân sống dưới vùng hạ du khi mưa lũ đổ về.

Hồ Dạ Lam (tỉnh Quảng Bình) được xây dựng từ năm 1986, nay đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ vỡ đập trong mùa lũ Ảnh: Hoàng Phúc
Hồ Dạ Lam (tỉnh Quảng Bình) được xây dựng từ năm 1986, nay đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ vỡ đập trong mùa lũ Ảnh: Hoàng Phúc
Mỗi vết nứt có thể gây nên thảm họa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong số 124 hồ chứa nước thủy lợi có 38 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp chưa bảo đảm an toàn đập. Trong đó, có 7 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp gồm các hồ chứa: Đá Bạc, Phước Tích, Cống Đá (huyện Bình Sơn); Hố Vàng, Hố Tre, Hố Đèo (huyện Sơn Tịnh) và Lỗ Thùng (huyện Mộ Đức).
Hồ Đá Bạc và Phước Tích (huyện Bình Sơn) có dung tích gần 10 triệu m3, tuổi đời trên 30 năm, hiện bị hư hỏng nặng. Toàn bộ đập xung quanh hồ được làm bằng đất, nhiều vị trí có nguy cơ bị sạt lở. Các tràn xả lũ phần lớn tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá nên thường xuyên bị xói lở; các cống lấy nước dưới đập có cửa van đóng mở thủ công và hiện đang bị hư hỏng, nước rò rỉ qua thân cống. "Trong đợt bão số 9 vừa qua, nước từ khu vực lòng hồ dâng cao, tràn qua những khe nứt gây ngập hàng chục hộ dân quanh đây… Khi thấy mưa lớn, người dân chúng tôi phải di dời hết đi nơi khác vì sợ vỡ hồ. Thân hồ làm bằng đất, nhiều vị trí do mưa lâu ngày khiến đất nhão ra, rất nguy hiểm" - bà Nguyễn Thị Thanh, sống xung quanh hồ Phước Tích, cho biết.
Tương tự tại hồ Lỗ Thùng, hồ Ông Tới (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), có sức chứa gần chục triệu mét khối nước, hiện cũng đang bị nứt nẻ nghiêm trọng do xây dựng cách đây hơn 30 năm. Toàn bộ thân đập bằng đất, mỗi trận mưa lớn là nước rò rỉ theo những vết nứt nẻ chảy thành những con suối nhỏ. Chính quyền và người dân ở đây đang hết sức lo lắng vì nguy cơ vỡ hồ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Bởi mưa lớn, nước từ hồ Ông Tới chảy ra xối xả, những khe nứt có nguy cơ bục vỡ"- anh Nguyễn Văn Quang, ngụ xã Đức Lân (huyện Mộ Đức, gần hồ Ông Tới), âu lo.
Hạ du thấp thỏm
Hồ chứa nước Hóc Thánh có dung tích thiết kế hơn 400.000 m3, phục vụ cho 60 ha lúa, hoa màu tại 2 thôn Hòa Trung và Hòa Sơn (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tuy nhiên, gần đây, người dân địa phương thường gọi hồ Hóc Thánh là "quả bom nước" bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Mái đập hồ chứa bị sụt, nhiều nơi bị khoét rỗng có chiều sâu từ 20-30 cm, có nơi sâu tới 50 cm; thân đập bằng đất bị nước thẩm thấu mái hạ lưu tạo nên những đường lồi lõm lớn. Phía mái thượng lưu đã bị nước lũ hằng năm cuốn phăng hết các thảm cỏ bảo vệ, chỉ còn trơ lại sỏi đá và những khe suối sâu ăn vào thân đập. Lòng hồ bị đất, đá bồi lấp nặng; cửa xả lũ bị hư hỏng với những mảng khối đá bê-tông bị vỡ nứt, nằm ngổn ngang bên miệng hồ... "Hơn 15 năm nay, mỗi khi đến mùa mưa bão, người dân chúng tôi luôn sống trong nỗi lo sợ vì nguy cơ vỡ đập hồ Hóc Thánh. Nếu chẳng may vỡ đập thì tính mạng của gần 1.000 hộ dân và hơn 100 ha đất canh tác ở vùng chân hồ không biết sẽ ra sao" - ông Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi; ngụ thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường) lo lắng.
Tương tự, tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, hồ Hố Trạnh hiện cũng là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Hồ được xây dựng năm 1980 với dung tích 320.000 m3, để tưới 47 ha cây trồng. Qua thời gian sử dụng, hiện mái thượng lưu và đập đất bao quanh hồ chứa này đã bị xói lở, nhiều đoạn không còn khả năng bảo vệ hồ, không tích nước được. Điều đáng quan ngại là hồ chứa nước này lại nằm gần khu dân cư, nếu xảy ra sự cố thì hậu quả rất khó lường. 
Tỉnh Bình Định hiện có 165 hồ chứa thủy lợi với 585 triệu m3 nước, phục vụ cho 67.600 ha cây trồng. Phần lớn hồ này là loại nhỏ và vừa, làm bằng đập đất, được xây dựng từ những năm 1975 đến 1995, hiện đã cũ và xuống cấp. Hiện tỉnh Quảng Ngãi có 124 hồ chứa nước với tổng dung tích hơn 400 triệu m3 nước, phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Trong số 124 hồ chứa, phần lớn các hồ được xây dựng từ những năm 1980 và đa số làm bằng cách đắp đất nên đã bị xuống cấp nặng nề, có nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào.
Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình, trong số 150 hồ chứa, 208 đập dâng thủy lợi của tỉnh Quảng Bình thì hiện chỉ mới có 4 hồ chứa lớn được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; số còn lại đều phải quan sát mực nước lên xuống bằng mắt thường, vận hành bằng kinh nghiệm nên vấn đề an toàn hồ, đập trong mùa lũ đang trở thành nỗi lo.
Hoàng Phúc - Đức Anh - Tử Trực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm