![1logo.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af8a535fe8899c3238be2538d38f987238c2e4e7489a871ebbae2ab69c32bc7619/1logo.jpg)
Đề án đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển xã hội số, nền kinh tế số và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế-xã hội, tạo động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh.
Nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Đề án 06, Ban Chỉ đạo Đề án các cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an đã gương mẫu đi đầu, tổ chức tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn triển khai đề án với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; nhân rộng được nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả.
Điểm sáng Đak Pơ
2 năm trở lại đây, ông Phan Thanh Tùng-Tổ trưởng tổ dân phố 2 (thị trấn Đak Pơ) đồng hành cùng Công an thị trấn trong việc tuyên truyền về Đề án 06. Ông cho biết: “Ngoài tuyên truyền trực tiếp vào sáng sớm và chiều tối, chúng tôi sử dụng hệ thống loa truyền thanh của tổ thông báo các tiện ích của Đề án 06 như: tích hợp căn cước công dân và các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử (VNeID); thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến (cấp hộ chiếu, đăng ký cư trú, khai sinh, đăng ký kết hôn…) Dần dần, bà con hiểu và quan tâm hơn đến việc sử dụng các tiện ích này”.
![Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T ky-1-3-can-bo-cong-an-phuong-huong-dan-khai-bao-luu-tru-truc-tuyen.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af2aed00c8c5e7567ba8806c761c282d69a8bf5936951dc3a33ad1cf11f81935f236a2a56cbc8a51c06ea587e6c634178ea440e4a0274f933296854b82fa4e78492525f0efc9ee957d1ed8595ad151002d984b53c0a6fe4f1ca0c5a1d8b6bbb925/ky-1-3-can-bo-cong-an-phuong-huong-dan-khai-bao-luu-tru-truc-tuyen.jpg)
Bên cạnh huy động hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Đak Pơ cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo. Đơn cử như Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0” với 25 thành viên.
Mô hình tuyên truyền cho hội viên phụ nữ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống như: sử dụng điện thoại thông minh tra cứu thông tin, truy cập mạng an toàn; cách sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID; tham gia các cuộc thi trực tuyến; sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban Chỉ đạo Đề án 06 các cấp tổ chức tuyên truyền tập trung, lưu động tại 900 lượt xã, phường, thị trấn và 2.502 lượt thôn, làng, tổ dân phố với trên 216 ngàn lượt công dân tham gia; thực hiện 4.525 lượt truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn, truyền thanh lưu động; đăng tải 5.488 bài viết trên các mạng xã hội và 47.634 lượt thông qua giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Sở Tư pháp lồng ghép phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật Căn cước năm 2023 trong 1.100 bản sổ tay phổ biến, giáo dục pháp luật ở thôn, làng, khu dân cư.
Việc thực hiện Đề án 06 tại huyện Đak Pơ có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo Đề án 06 huyện thành lập nhóm Zalo, trong đó đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ, chỉ tiêu hàng ngày, hàng tuần.
Bà Bùi Thị Thương-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Ngay khi Công an huyện tham mưu xây dựng các văn bản triển khai Đề án 06, chúng tôi tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho từng ban, ngành và chỉ đạo hệ thống chính trị ở cơ sở thực hiện các nội dung cụ thể.
Sau một thời gian thực hiện, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là lực lượng Công an, người dân đã quan tâm, hưởng ứng, nhất là chủ động đăng ký, kích hoạt tài khoản VNeID”.
![Công an tỉnh họp bàn triển khai giải pháp KIOSK y tế thông minh đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.T ky-1-4-cong-an-tinh-to-chuc-hop-ban-trien-khai-giai-phap-kiosk-y-te-thong-minh-doi-voi-cac-co-so-y-te-tren-dia-ban-tinh.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af808a5c19105bf94d0b6975c8a97a63a1872c0305618745e606519d44ed619110476770130e3fcae18cdb387dd4bbdb5a6ca9e7499a0905d2f318038c5e83a585bb89e784ceffd6cc8ed3fbb5bdb9138ef46df4d3fbb0ce88a4c1d879855c38acdbe0fe900edea892ef5cc8e688574fe728f9e696625b0dd234fb6cf5d6fd85e1066a1e16e08d485c5344b31dee6888d5/ky-1-4-cong-an-tinh-to-chuc-hop-ban-trien-khai-giai-phap-kiosk-y-te-thong-minh-doi-voi-cac-co-so-y-te-tren-dia-ban-tinh.jpg)
Đến nay, huyện Đak Pơ được đánh giá là một trong những địa phương đáp ứng cơ bản các chỉ tiêu của Đề án 06 với 43,3% công dân thường trú kích hoạt sử dụng tài khoản VNeID; 15,37% công dân tích hợp thẻ bảo hiểm y tế; 12,24% công dân tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Đặc biệt, đối với chỉ tiêu chi trả 50% mức hưởng an sinh xã hội không dùng tiền mặt do UBND tỉnh giao, Đak Pơ đã hoàn thành vào cuối năm 2024.
Nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả
Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh-khẳng định: “Với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, hệ thống chính trị ở cơ sở cùng vào cuộc tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và UBND tỉnh giao; nhất là các đợt cao điểm, chiến dịch, chuyên đề liên quan đến cấp căn cước công dân, định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư, dịch vụ công trực tuyến... gắn với kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ cơ sở, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong quá trình triển khai thực hiện đề án”.
Thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã triển khai, đơn giản hóa 859 thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến công dân và quản lý dân cư theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; 45 dịch vụ công thiết yếu, 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh với 8 lĩnh vực được giảm phí, lệ phí đến 50% nhằm khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
![Tuyên truyền Đề án 06 ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số. Ảnh: T.T ky-12-tuyen-truyen-de-an-06-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af8e135ebaeacde620df685fd61f8ae75e8506aa92b62f3cbc2eae92856a3953474a8092a80bcb1b4452aafb3707ba2ae4d8f5014626a4b103470d57389b01501bccc5d0d2e7800769282e802a939287be/ky-12-tuyen-truyen-de-an-06-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.jpg)
Năm 2024, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Theo số liệu tại Cổng dịch vụ công tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận 208.257 hồ sơ, đã giải quyết 187.406 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết sớm, đúng hạn chiếm 84,5%.
Đối với 2 nhóm dịch vụ công liên thông của Đề án 06 (gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất), năm 2024, các địa phương đã tiếp nhận, giải quyết 15.213 hồ sơ, trong đó có 14.800 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, chiếm 97,3%.
Trong năm 2024, 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã bố trí phương tiện tuyên truyền, máy tính kết nối mạng internet, máy scan và cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; mô hình khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước/căn cước công dân gắn chip tại các cơ sở khám-chữa bệnh; mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục, y tế; chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng chính sách; khai báo lưu trú qua phần mềm trực tuyến…
Qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các mô hình hay trên phạm vi cả nước trong triển khai thực hiện Đề án 06 cũng như một số địa phương trên địa bàn, nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh đăng ký triển khai các hoạt động thí điểm như: sổ sức khỏe điện tử; KIOSK y tế thông minh; chi trả an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt; số hóa hộ tịch, cơ sở dữ liệu đất đai; trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC).
Đồng thời, triển khai 76 dịch vụ công thiết yếu; sử dụng thẻ căn cước và ứng dụng VNeID trong hoạt động khám-chữa bệnh, quản lý lưu trú, phát triển du lịch; đảm bảo điều kiện công dân số; đào tạo trực tuyến; cấp lý lịch tư pháp…
Thành phố Pleiku đã thành lập 18 tổ dân phố điện tử, 14 khu dân cư điện tử hỗ trợ người dân tiếp cận các tiện ích số, nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thành lập tuyến phố không tiền mặt, khu phố thanh toán không dùng tiền mặt, chợ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố-cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động qua hệ thống truyền thanh ở các tuyến phố, khu chợ, khuyến khích không dùng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ. Qua theo dõi cho thấy, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công của thành phố tăng lên rõ rệt”.
Ghi nhận tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh, số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ngân hàng ngày càng tăng. Bà Trần Thị Hồng Hạnh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh-cho biết: “Ngành Bảo hiểm Xã hội đã thực hiện chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt, việc thanh toán, chi trả lương hưu, trợ cấp thất nghiệp đã đạt 98%, về tổng thể đã đạt chỉ tiêu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao”.
![22logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898-1923.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af481b9c5a39b840e29afb84db735d3bc99731ac3db4b97c5b6f7e90bf257c209c94a4c8cc49ae55f7a933fa56f10b71365409fef179ed11ae94d288b2c9f2bcd72c8fa261714a338d6c7cd356791b2a0b984b53c0a6fe4f1ca0c5a1d8b6bbb925/22logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898-1923.jpg)