Bạn đọc

Báo động tật khúc xạ học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các tật khúc xạ học đường (phổ biến là cận thị) hiện đang ngày càng gia tăng nhiều nhất là tại các trường tiểu học. Việc học tập căng thẳng, tăng tiết, học thêm và thói quen xem ti vi, chơi vi tính không điều độ cộng thêm sự thiếu quan tâm của cha mẹ khiến các tật khúc xạ về mắt ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Có con trai hiện đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan, chị Minh Thu cho biết: Dạo gần đây kiểm tra bài vở của con chị thường thấy cô giáo ghi bút đỏ vào một số bài toán rằng sai đề. Mới đầu chị nghĩ chắc tại cháu ngồi trong góc xa hoặc có thể do bảng bị lóa… Chị cũng đã căn dặn con chú tâm hơn trong học tập.

 

Các tật khúc xạ học đường đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Như Nguyện
Các tật khúc xạ học đường đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: Như Nguyện

Tuy nhiên, tình hình vẫn không thấy cải thiện. Ban đầu mình không nghĩ cháu bị cận thị vì trong nhà đâu có ai bị cận nhưng thấy kết quả học tập ngày càng sút nên mình thử cho cháu đi khám mắt. Kết quả cháu cận 2,5 độ phải đeo kính. Cũng may là phát hiện sớm chứ nếu để lâu thì không những kết quả học tập của cháu sẽ sa sút hơn mà mắt có khi lại tăng độ nặng hơn.  

Mặc dù tật khúc xạ học đường (phổ biến là cận thị) đang ngày càng có chiều hướng gia tăng nhưng không phải trường học nào cũng quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, các trường đều có tiền trích lại của quỹ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Nhận định rõ vai trò quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, Trường Tiểu học Chu Văn An-TP. Pleiku, thường xuyên tổ chức các đợt khám sức khỏe cho học sinh nhà trường. Cuối năm 2013, nhà trường hợp đồng với Trung tâm Y tế TP. Pleiku tổ chức khám và đo mắt cho học sinh toàn trường. Kết quả đáng báo động, trong số 1.244/1.251 học sinh được khám, đo mắt thì đã có đến 502 học sinh bị cận thị từ 1 đến 8 độ (chiếm tỷ lệ 37,8%). Nhiều học sinh mới vào lớp 1 đã cận đến 4-5 độ, có học sinh lớp 4 cận đến 8 độ. Đáng báo động, có lớp tỷ lệ học sinh cận thị chiếm đến 70-75%. Đây là một tỉ lệ cao so với tỷ lệ của cả nước đối với học sinh bậc tiểu học là 20 đến 25%.

Về kết quả đáng báo động này, ông Bạch Quảng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết: “Qua kết quả khám, đo mắt do nhà trường tổ chức cho thấy hiện nay tật khúc xạ học đường mà chủ yếu là bệnh cận thị của học sinh đang có chiều hướng tăng nhanh và đáng báo động. Trong số học sinh bị tật khúc xạ qua đo khám phát hiện, một số em đã được gia đình đo khám và cho mang kính song vẫn còn rất nhiều em đang cận thị mà bố mẹ gia đình chưa phát hiện được. Chỉ đến khi được đo, khám trong đợt này mới phát hiện ra. Từ đó, giúp phụ huynh có thêm thông tin kịp thời đưa các cháu đến các cơ sở y tế khám đo. Nếu để lâu không phát hiện và không có các biện pháp khắc phục thì độ cận sẽ gia tăng một cách nhanh chóng, đây là một điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy việc nhà trường quan tâm tổ chức đo, khám mắt cho học sinh hàng năm là một điều hết sức cần thiết”.

Không chỉ tổ chức đo, khám mắt cho học sinh, Trường Tiểu học Chu Văn An thường xuyên tổ chức các đợt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh nhà trường và thường xuyên tổ chức chương trình nha học đường. “Tôi nghĩ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là hết sức cần thiết và tất cả các trường học nên triển khai. Không có lý do gì các trường không làm vì kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh đều được quỹ bảo hiểm y tế trích lại cho các trường học nên không thể viện lý do là thiếu kinh phí mà không quan tâm đúng mức đến công tác này. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cần có sự quan tâm đúng mức, phải có sự hiểu biết cơ bản về tật khúc xạ học đường để giúp cho trẻ hạn chế được sự phát triển của căn bệnh này…”- ông Bạch Quảng cho biết thêm.

Qua đo khám mắt, các bác sĩ chuyên khoa mắt-Trung tâm Y tế TP. Pleiku khuyến cáo: Khi trẻ mắc một trong những tật khúc xạ nên thị lực kém với biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt... Khi học bài nhất là khi nhìn bảng không nhìn rõ nên hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Vì vậy, nếu nghi ngờ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt được khám, phát hiện sớm để có phương hướng điều trị thích hợp.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm