Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đang đối mặt với hai thách thức lớn ảnh hướng đến tiến độ đó là thời tiết bất lợi và bão giá nhiên vật liệu.
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tiến độ tổng thể các dự án cao tốc Bắc-Nam đang bị “níu chân” nghiêm trọng, đặc biệt là 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 do ảnh hưởng của "bão giá" vật liệu và thời tiết mưa nhiều trong những tháng vừa qua.
Phấp phỏng với thời tiết
Trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông ngày 14/6, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 có tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đến ngày 10/6 đạt khoảng 23.544,3/57.075,3 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong số đó, bốn dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7%.
Chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết năm 2021, địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, địa bàn triển khai 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có khoảng 100 ngày mưa.
Đặc biệt, Thứ trưởng Lâm thông tin thêm từ đầu năm 2022 đến nay, mưa lan sang cả các công trường tại Thanh Hóa, Nghệ An; trong đó từ tháng 4/2022 đến nay, mặc dù vẫn là mùa khô nhưng đã có khoảng 20 đến 33 ngày mưa/tháng. Địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai - nơi mưa có lượng mưa ít nhưng trong tháng 4/2022 đến nay đã có 26 ngày đến 30 ngày mưa.
Là dự án có 3/5 gói thầu đang vượt kế hoạch đã đăng ký từ 0,4-1,9% giá trị hợp đồng, 2/5 gói thầu (gói XL.11 và XL.13) cơ bản đáp ứng kế hoạch đề ra, theo đại diện Ban điều hành dự án cao tốc đoạn đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, tiến độ triển khai thi công các lớp móng mặt đường gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi.
“Từ tháng 5/2022 đến nay, thời tiết khu vực miền Bắc diễn biến bất thường với số ngày mưa và lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm; địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có khoảng 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công. Ban điều hành, các nhà thầu đều tranh thủ thời tiết trời nắng để đốc thúc tiến độ,” đại diện Ban điều hành dự án cao tốc đoạn đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 nhấn mạnh.
Hay như dự án cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km) có sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 87,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,53% so với kế hoạch bởi nguyên do thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công đặc biệt là công tác đắp nền, cấp phối đá dăm và bê tông nhựa.
Bão giá vật liệu "ghìm" tiến độ
Ngoài thời tiết diễn biến bất thường, Thứ trưởng Lâm cũng nhìn nhận việc giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn tiếp tục là rào cản lớn tại dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn (giữa giá bỏ thầu và giá mua thực tế), đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công.
“Hiện nay, các nhà thầu đang thi công các lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn nhưng nhiều địa phương vẫn thực hiện công bố chỉ số giá theo quý (đến nay mới công bố chỉ số giá quý 4/2021 hoặc 1/2022) dẫn đến việc điều chỉnh giá chưa kịp thời, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng vì càng làm càng lỗ,” ông Lâm thừa nhận thực tế.
Giá nhiên vật liệu tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+ |
Đưa ra các giải pháp thúc tiến độ, trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như lãnh đạo bộ và các cơ quan tham mưu tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần, nghiêm khắc phê bình kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các ban quản lý dự án; yêu cầu các ban, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng, kiên quyết cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng…
Đối với biến động giá vật liệu, Thứ trưởng Lâm cho biết hiện Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai (dự kiến bắt đầu thực hiện kiểm tra từ ngày 15/6/2022).
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)