Bạn đọc

Bao giờ chấm dứt nạn côn đồ bệnh viện?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều năm qua, tình trạng người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế được xem là “vấn nạn” gây nhiều bức xúc trong xã hội. Dù đã có nhiều giải pháp được đề xuất nhưng xem ra để giải quyết rốt ráo thực trạng này vẫn cần biện pháp mạnh tay hơn cũng như nỗ lực từ nhiều phía. 
Mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại Trung tâm Y tế thị xã An Khê tối 15-3. Thời điểm này, bác sĩ Đ.T.T.N. cùng các điều dưỡng viên H.T.K.T., N.T.P. và N.T.T. được phân công trực ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Lúc 20 giờ 45 phút, bệnh nhân H.T.M. (29 tuổi, tổ 3, phường An Phước, thị xã An Khê) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tỉnh, không tiếp xúc, co rút tay chân, dấu hiệu sinh tồn ổn định và được chỉ định theo dõi hạ canxi đường huyết. Thấy người nhà và bệnh nhân đều không đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19, nhân viên y tế nhắc nhở nhiều lần thì họ chẳng những không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ. Sự việc càng trở nên nặng nề khi nhóm người này cản trở và xông vào đánh điều dưỡng viên N.T.T. khi chị đang thực hiện y lệnh điều trị cho bệnh nhân. Thấy đồng nghiệp bị hành hung, điều dưỡng viên N.T.P. chạy vào can ngăn cũng bị tấn công. Hậu quả, 2 điều dưỡng viên bị thương và sang chấn tâm lý. Ngay trong chiều 16-3, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước cho biết Thường trực Thị ủy đã chỉ đạo Công an điều tra, xử lý nghiêm vụ việc.
Tình trạng người nhà bệnh nhân đe dọa, tấn công y-bác sĩ tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã không ít lần xảy ra. Một số kẻ côn đồ còn ngang nhiên mang cả hung khí vào bệnh viện để “ăn thua đủ” như giữa chốn giang hồ. Luôn phải cảnh giác vì có thể bị nhục mạ và tấn công bất cứ lúc nào nên cán bộ, nhân viên y tế phải làm việc trong trạng thái bất an, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sức khỏe. Nhưng hệ lụy lớn hơn nằm ở chỗ: bạo lực bệnh viện tăng lên thì chất lượng y tế có nguy cơ đi xuống, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. 
Khu vực người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) vào tối ngày 15-3. Ảnh: An Phát
Khu vực người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế (Trung tâm Y tế thị xã An Khê) vào tối ngày 15-3. Ảnh: An Phát
Cách đây vài năm, để đi tìm câu trả lời nhằm giải quyết thực trạng nhức nhối này, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế”. Tại hội nghị này, 2 nguyên nhân chính đe dọa sự an toàn của đội ngũ thầy thuốc đã được nhận diện. Đầu tiên là nguyên nhân đến từ những người dân còn hạn chế trong nhận thức, chưa cảm thông với điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, quy trình hoạt động của bệnh viện cũng như môi trường làm việc khắc nghiệt của nhân viên y tế. Nhiều người nóng nảy, không có thói quen xếp hàng, chờ đợi dẫn đến những đòi hỏi vô lối, ứng xử không đúng mực, côn đồ với người thầy thuốc. Trong khi đó, trên thực tế cũng có một số cán bộ y tế bộc lộ thái độ thiếu hòa nhã, thiếu kiên nhẫn, giải thích chưa thỏa đáng về bệnh trạng… gây ra bức xúc cho bệnh nhân và người nhà. Thậm chí, nhiều nhân viên y tế có hành vi tiêu cực trong bệnh viện, làm hao khuyết đi hình ảnh cao đẹp của những người khoác blouse trắng.
Từ chỗ nhận diện rõ nguyên nhân, nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất trong các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện và bảo vệ nhân viên y tế. Đến nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, các cơ sở y tế đều đã chủ động triển khai tập huấn “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Mặt khác, cán bộ, nhân viên y tế cũng được hướng dẫn một số kỹ năng phòng vệ từ xa như: hòa nhã trong giao tiếp, lắng nghe vấn đề của gia đình bệnh nhân để giải thích thỏa đáng, động viên kịp thời... Nếu thấy tình huống diễn biến căng thẳng, nảy sinh cãi vã, nhân viên y tế cần mềm mỏng, bình tĩnh đối thoại để “hạ nhiệt” rồi tìm cách rời đi, không tranh luận đúng sai… Các bệnh viện cũng được khuyến khích lắp đặt hệ thống camera và chuông báo động an ninh; tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Công an để bảo vệ cán bộ, nhân viên trong trường hợp cần thiết.
Xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để răn đe đối tượng quá khích trong bệnh viện cũng là giải pháp cần quan tâm. Theo Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2021, một trong các hành vi bị cấm là “gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và nhân viên y tế; phá hoại tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dưới mọi hình thức”. Ngoài ra, Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng-chống bạo lực gia đình” quy định rõ mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40 triệu đồng, đối với tổ chức là 80 triệu đồng. Đồng thời, Nghị định này cũng quy định phạt tiền 5-8 triệu đồng đối với hành vi gây rối trật tự công cộng có mang theo vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ… Nghiêm trọng hơn, tùy vào tỷ lệ thương tật và hậu quả gây ra mà các đối tượng tham gia gây rối, tấn công y-bác sĩ có thể bị pháp luật xử lý tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích” hoặc “Giết người”.
Thiết nghĩ, về lâu dài, cộng đồng cần ý thức chung tay vun đắp xây dựng một xã hội văn minh, hình thành thái độ ứng xử nhân văn, phù hợp từ gia đình đến nhà trường, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ nhà đến bệnh viện… Biện pháp hành chính là cái trước mắt, tức thời; việc tạo dựng, khuyến khích hình thành thái độ sống lành mạnh, văn minh, “nói không” với bạo lực mới là giải pháp căn cơ. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm