Xã hội

Đời sống

Bảo hiểm y tế san sẻ gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 1-7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam. Chính sách BHYT không chỉ san sẻ gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh cho người dân mà còn là một trong những trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội.

An tâm vì có BHYT

Theo tìm hiểu của P.V, hầu hết bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đều có BHYT. Điều này giúp họ an tâm khi điều trị, nhất là với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí nhiều.

Bà Trần Thị Mỹ Nga (tổ 7, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Mẹ tôi đang điều trị tại đây. Bà năm nay hơn 80 tuổi và là đối tượng được BHYT chi trả 100% chi phí khám-chữa bệnh. Hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của chính sách BHYT nên gia đình tôi đều tham gia để được chăm sóc sức khỏe và giảm nỗi lo viện phí”.

Nhờ có BHYT, nhiều người dân đã được san sẻ gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh. Ảnh: N.N

Nhờ có BHYT, nhiều người dân đã được san sẻ gánh nặng chi phí khám-chữa bệnh. Ảnh: N.N

Theo bác sĩ chuyên khoa I Hà Quang Luân-Phó Trưởng khoa Tim mạch: Khoa tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có nhiều ca bệnh phải can thiệp tim mạch. Các trường hợp can thiệp tim mạch phải chi trả chi phí từ vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng. Nếu người bệnh có BHYT thì được chia sẻ một phần gánh nặng tài chính.

Tại Khoa Phẫu thuật thần kinh-Cột sống (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nhiều bệnh nhân nhờ có BHYT mà số tiền viện phí được giảm rất nhiều. Bà Đặng Thị Lý (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku) bị chấn thương và vừa trải qua ca phẫu thuật cột sống chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng. Nhờ có BHYT nên gia đình bà chỉ đóng khoảng 30 triệu đồng. “Nếu không có BHYT thì gia đình tôi sẽ rất khó khăn vì chi phí chữa bệnh quá cao”-bà Lý cho hay.

Theo Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ-Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh-Cột sống: Hiện nay, Khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực thần kinh-cột sống. Tuy nhiên, các dịch vụ kỹ thuật này thường có chi phí khám-chữa bệnh cao và nếu như không có BHYT đồng chi trả thì bệnh nhân sẽ phải chịu áp lực lớn về kinh tế. Trên thực tế, nhiều trường hợp vì không có BHYT và không có tiền điều trị bệnh mà đành chấp nhận kết cục không như mong đợi.

“Chúng tôi rất thương bệnh nhân và cũng tìm nguồn hỗ trợ nhân đạo giúp những trường hợp khó khăn nhưng không thể giúp được tất cả. Vì vậy, tôi mong muốn người dân cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHYT và chủ động tham gia để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”-Tiến sĩ Phạm Tỵ nói.

Tiến tới BHYT toàn dân

Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 1-7 hàng năm là Ngày BHYT Việt Nam. Sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và người dân về chính sách BHYT có sự chuyển biến tích cực.

Ê kíp y-bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chuẩn bị thực hiện can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Ê kíp y-bác sĩ Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chuẩn bị thực hiện can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Như Nguyện

Ông Nguyễn Văn Mau-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh-thông tin: Công tác thông tin, tuyên truyền BHYT luôn được chú trọng, có sự đổi mới về nội dung và đa dạng hình thức. Qua đó, từng bước đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng khám-chữa bệnh BHYT từng bước được nâng lên, quyền lợi khám-chữa bệnh của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện. Người dân nhận thức đầy đủ quyền lợi khi tham gia BHYT từ đó chủ động tham gia.

“Nếu như năm 2009, toàn tỉnh có trên 882,8 ngàn người tham gia (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 69,36%) thì đến hết năm 2023 là trên 1,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91% dân số. Tổng chi phí khám-chữa bệnh năm 2009 trên 122 tỷ đồng thì đến năm 2023 là trên 885 tỷ đồng cho trên 658 ngàn lượt người vào năm 2009 và trên 1,72 triệu lượt người vào năm 2023”-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết.

Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, ngành Bảo hiểm Xã hội sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHYT. Đồng thời, ngành tiếp tục tham mưu đề xuất cơ chế chính sách BHYT với các quy định liên quan như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Bộ luật Lao động...

Thời gian tới, ngành Bảo hiểm Xã hội tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hướng đến BHYT toàn dân.

Bên cạnh đó, ngành Bảo hiểm Xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác khám-chữa bệnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác tạm ứng, thanh toán chi phí nhằm đảm bảo nguồn kinh phí để phục vụ công tác khám-chữa bệnh BHYT.

Có thể bạn quan tâm