Kinh tế

Nông nghiệp

Bảo hộ ngành mía đường trong nước trước "cơn lốc" đường nhập ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đã góp phần hỗ trợ ngành mía đường Việt Nam cạnh tranh tranh sòng phẳng.

Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đã tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong nước. Ảnh: Trần Lưu
Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đã tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong nước. Ảnh: Trần Lưu
Chống bán phá giá cứu ngành mía đường trong nước
Chiều 23.3, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cơ hội và thách thức của ngành mía đường” do báo Nhân dân Điện tử tổ chức, ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết:
Việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được Bộ Công Thương quyết định sau quá trình điều tra 5 tháng bắt đầu từ 21.9.2020 bước đầu đã cho kết quả.
Điều tra ban đầu cho thấy hành vi trợ cấp và bán phá giá gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đường Việt Nam, khiến hơn 50% hộ nông dân trồng mía phải dừng sản xuất và 1/3 số nhà máy mía đường buộc phải đóng cửa.
Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%, trong khi đặc trưng sản xuất của ngành mía đường tại mọi quốc gia là chi phí mía chiếm đến 70-80% giá thành sản xuất, liên tiếp nhiều năm lượng đường phá giá tràn vào Việt Nam đã khiến sản phẩm mía đường của Việt Nam bị bán ra ở còn rẻ hơn cả giá nguyên liệu.
“Việc áp thuế phòng vệ thương mại là sự can thiệp kịp thời và chẳng khác nào chiếc phao cứu sinh xuất hiện kịp thời trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh của ngành đường Việt Nam” – ông Nguyễn Văn Lộc nói.
Ông Chu Thắng Trung - Cục phó Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cung cấp thông tin: Các nhà máy sản xuất đã tăng giá thu mua mía nguyên liệu của người nông dân ở mức 10%-13% so với các niên vụ trước đây. Việc này góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và khuyến khích họ trong việc cân nhắc trồng lại cây mía, mở rộng vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường.
“Quá trình điều tra hiện nay vẫn đang được tiến hành và chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận ý kiến của các bên liên quan. Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ lưỡng, khách quan tất cả các ý kiến và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng để chống bán giá đường nhập khẩu” – ông Thắng khẳng định.
Đã có một số dấu hiệu tích cực từ khi Quyết định số 477 của Bộ Công Thương có hiệu lực: Giá bán đường sản xuất trong nước đã tăng trung bình từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020; giá thu mua mía nguyên liệu của người trồng mía cũng tăng so với vụ ép năm ngoái, tăng từ 50 nghìn – 100 nghìn đồng/tấn.
Tăng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), dự báo, niên vụ 2020-2021, tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Hiện tại, chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, tổng lượng mía Việt Nam chỉ đạt 5.290.000 tấn mía, tương đương 530.000 tấn đường. Tại thời điểm này, giá đường nội địa Việt Nam vẫn thấp nhất trong khu vực.
Chính vì vậy, cần có những giải pháp để tăng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tăng sức mạnh của ngành mía đường trong nước.
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng cần khuyến khích bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua hợp tác xã nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía; đồng thời những hộ trồng nhỏ lẻ cần chuyển đổi. Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
VŨ LONG (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/bao-ho-nganh-mia-duong-trong-nuoc-truoc-con-loc-duong-nhap-ngoai-891993.ldo

Có thể bạn quan tâm