Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bão số 4: Quảng Bình, Quảng Trị gấp rút sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm trước 'giờ G'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quảng Bình đã sơ tán gần 1.000 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão số 4 đổ bộ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng kiên quyết di dời dân phải dứt khoát, không chấp hành phải cưỡng chế!

Bộ đội Biên phòng tổ chức vận động di dời người dân tại các bản làng có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, công tác sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đang được các lực lượng thực hiện nhanh chóng và có tổ chức nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

Đặc biệt, người già, trẻ em và các hộ gia đình khó khăn được ưu tiên di dời đến các nơi trú ẩn an toàn như trường học, nhà văn hóa cộng đồng, và các công trình kiên cố.

Các khu vực nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, đặc biệt là các vùng ven biển, vùng trũng thấp và những nơi có nguy cơ sạt lở đất đã được chỉ đạo khẩn trương sơ tán.

Các lực lượng chức năng, vận động sơ tán người dân bản Mít Cát, xã Kim Thủy đến công trình nhà văn hóa

Các lực lượng chức năng, vận động sơ tán người dân bản Mít Cát, xã Kim Thủy đến công trình nhà văn hóa

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Lình - Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy - cho biết địa phương vừa hoàn tất việc sơ tán 36 hộ gia đình với 160 nhân khẩu của bản Mít Cát trên địa bàn khỏi địa điểm sạt lở.

"Những hộ dân này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, nên sáng nay (19-9), xã đã đưa người dân đến vị trí an toàn. Xã đã cung cấp thực phẩm trong vài ngày tới cho người dân để vượt qua bão lụt" – ông Lình nói.

Trong khi đó, ông Trương Văn Minh – Chủ tịch xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa - cho biết khoảng 11 giờ cùng ngày, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ sạt lở đất khiến một nhà tại thôn Tân Lý rạn nứt nhà bếp, may mắn không thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đã đến hiện trường di dời hộ gia đình đến nơi an toàn.

Trước đó, chính quyền thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cũng đã tổ chức di dời gần 40 hộ dân sống dưới chân núi Cây Sường, bởi dãy núi này trước đó xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhằm phòng tránh tình trạng mưa lớn gây sạt lở và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào nhằm tránh nguy hiểm tính mạng, tài sản cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra an toàn hồ đập tại công trình hồ chứa nước Điều Gà (xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng kiểm tra an toàn hồ đập tại công trình hồ chứa nước Điều Gà (xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng thăm hỏi, động viên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sơ tán về Đội sản xuất số 7, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 để phòng tránh bão số 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng thăm hỏi, động viên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sơ tán về Đội sản xuất số 7, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 79 để phòng tránh bão số 4.

Chính quyền địa phương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các điểm sơ tán.

Trước khi bão số 4 đổ bộ, các cấp chính quyền đã liên tục cập nhật tình hình thời tiết, kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng chống bão. Việc chằng chống nhà cửa, thu hoạch lúa và hoa màu, gia cố các công trình đê điều, hồ chứa nước cũng được tiến hành khẩn trương.

Hiện bão số 4 đang di chuyển theo hướng Tây Bắc với sức gió mạnh, gây ra những lo ngại về thiệt hại tại các địa phương ven biển Quảng Bình. Dự báo bão sẽ tiếp tục gây ra mưa lớn và gió mạnh trên diện rộng, làm tăng nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều khu vực miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cũng đã trực tiếp kiểm tra an toàn hồ đập tại công trình hồ chứa nước Điều Gà ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Đây là công trình đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, nhưng tạm dừng thi công để ứng phó với mưa bão.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 11 giờ ngày 19-9, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 238hộ với 918 khẩu. Việc di dời tập trung ở các huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch, huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị: Di dời dân phải dứt khoát, không chấp hành phải cưỡng chế!

Ngày 19-9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cùng các đơn vị liên quan đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại Khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, khu vực biển Gio Hải và một số công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn huyện Gio Linh.

Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh trong 24 giờ qua đã có mưa to đến rất to, dự báo đến sáng 20-9, lượng mưa phổ biến 100-220 mm, có nơi trên 300 mm. Hiện nay, mực nước thượng lưu các sông đang lên chậm, hạ lưu các sông ảnh hưởng thủy triều còn ở mức thấp dưới báo động 1, cảnh báo trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4

Tại chuyến kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu địa phương cùng các ngành chức năng tiếp tục kiểm đếm, quản lý các tàu, thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, có kế hoạch bảo vệ an toàn tài sản cho người dân, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu khi có bão đổ bộ. Các lực lượng này phải túc trực 24/24 để sẵn sàng nhận lệnh khi có các sự cố xảy ra.

Khi có mưa lớn, chính quyền địa phương sơ tán người dân ở vùng thấp, vùng trũng ra khỏi khu vực nguy hiểm đến các nơi kiên cố, an toàn; vận hành, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; cắt tỉa cành cây; kịp thời thu hoạch, bảo vệ mùa vụ sản xuất. Tạm dừng các công trình đang thi công trong khu vực ảnh hưởng của mưa bão.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý các vùng ven biển là những nơi chịu ảnh hưởng của bão với sóng to, gió lớn, nước biển có thể dâng cao vì thế các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

"Rút kinh nghiệm từ thiệt hại của thiên tai, bão lũ lịch sử năm 2020, trong kế hoạch, những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, Quảng Trị đã tìm những địa điểm, các trụ sở, khu vực nhà dân đảm bảo an toàn để sơ tán khi cần thiết.

Các biện pháp di dời phải dứt khoát, không chấp hành là phải cưỡng chế, với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân trước thiên tai, bão lũ" - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, lúc 13 giờ 30 phút ngày 19-9, tại khu vực thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh trời không mưa, gió nhẹ, sóng biển cao 3-4 m.

Tuy nhiên, dù bão chưa đổ bộ, nhưng nhiều cây xanh mới trồng chưa lâu tại khu vực đường dẫn vào cảng du lịch đang thi công tại khu phố 6 (thị trấn Gio Linh) đã bật gốc, đổ ngổn ngang.

Theo Hoàng Phúc- Đức Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm