Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Bão số 7: Sắp đổ bộ vào Quảng Ninh- Hải Phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xuống Hải Phòng, Quảng Ninh cùng lãnh đạo địa phương chỉ đạo phương án ứng phó với bão số 7.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ chiều tối và đêm 18-10 đến gần sáng ngày 20-10 trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ sẽ xuất hiện mưa to, riêng các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh lượng mưa ước tính từ 200-300 mm/cả đợt. Hiện, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7 đang được tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tích cực triển khai.

Hồi 16 giờ ngày 18-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135 km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16 giờ ngày 19-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 10-11.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 7 có tên quốc tế là Sarika, chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ về kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

 

Phó Thủ tướng xuống tận địa phương chỉ đạo về phương án ứng phó với cơn bão số 7.
Phó Thủ tướng xuống tận địa phương chỉ đạo về phương án ứng phó với cơn bão số 7.


Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã trực tiếp đi thị sát công tác phòng chống cơn bão số 7 tại bến Mắt Rồng, huyện Thuỷ Nguyên. Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương liên tục theo dõi, cập nhật tình hình cơn bão để chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo không để bị động bất ngờ, tập trung rà soát, di dời nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, các lực lượng chức năng tập trung mọi nguồn lực ứng trực 24/24h, tiếp tục triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; chủ động tiêu nước đệm, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp

Về phía địa phương, Ban chỉ huy PCTT & TKCN Quảng Ninh đã kêu gọi hơn 8.000 tàu thuyền về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn; hơn 8.500 ô lồng, bè của hơn 1.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được gia cố, chằng chống; người già, trẻ em, phụ nữ được di chuyển vào bờ; lực lượng vũ trang đã phối hợp với các cơ quan chức năng di chuyển 423 khách du lịch trên các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu vào bờ an toàn. Còn 15 khách du lịch tự nguyện ở lại. Các địa phương cũng chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách. Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã cho các trẻ em, học sinh trên địa bàn nghỉ học ngày 19-10.

Tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên có 2.800 mét hệ thống đê bao xung yếu nên đã chủ động chuẩn bị 400 m2 bạt dứa, 2.000 bao tải và 2 máy xúc tại chỗ. Xã Đông Hải cũng đã chuẩn bị máy xúc, bao tải và vị trí lấy đất để hộ đê ở những điểm xung yếu của sông Hà Thanh.

Cho đến thời điểm này, nhờ sự giúp đỡ của các lực lượng quân đội và đoàn thanh niên, nhân dân trên địa bàn Quảng Ninh đã thu hoạch được 11.832 ha lúa mùa, còn lại gần 5.000 ha lúa mùa trung đang triển khai thu hoạch, dự kiến đến hết ngày 18-10-2016 sẽ thu hoạch xong. Tính đến 10 giờ sáng 18-10, tại một số địa phương của Quảng Ninh đã có mưa vừa và gió giật, riêng huyện đảo Cô Tô đã có mưa, gió giật cấp 8, 9, biển động mạnh.

Ông Đào Văn Vũ-Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết: “UBND tỉnh thì huyện Cô Tô đã kêu gọi trên 400 phương tiện của cả Cô Tô và các địa phương khác vào nơi neo đậu an toàn. Đặc biệt hiện nay khu hậu cần nghề cá còn một số các phương tiện không vào khu neo đậu an toàn được, huyện đã vận động đưa dân lên bờ. Đối với khách du lịch thì Cô Tô đã tập trung tuyên truyền và cơ bản toàn bộ khách ở Cô Tô đã về đất liền chỉ còn 8 khách nội địa ở lại khách sạn”.

Hiện thành phố Hải Phòng đã huy động 250 máy gặt và huy động thêm 20.000 người giúp dân thu hoạch 22.900 ha lúa mùa; 650 ha rau màu. Ban chỉ huy PCTT &TKCN thành phố Hải Phòng cũng đã kêu gọi hơn 3000 phương tiện tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; gần  500 ô lồng bè và 250 chòi canh được gia cố, chằng chống. Còn 184 phương tiện tàu thuyền đang được lai dắt và sẽ phải vào bờ trước 15 giờ hôm nay, 18-10. Đến 17 giờ tối 18-10, thành phố Hải Phòng bắt đầu cấm biển. Hiện nay Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng đã huy động hơn 7.700 người cùng 151 phương tiện sẵn sàng ứng phó với diễn biến khó lường của cơn bão số 7. 

 

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác thu hoạch lúa mùa ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác thu hoạch lúa mùa ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.


Ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm đang được thành phố Hải Phòng tích cực triển khai là di dân ra khỏi vùng xung yếu và thu hoạch lúa mùa cho bà con trước khi bão đổ bộ vào Hải Phòng."Việc thu hoạch lúa mùa ở các quận huyện hiện nay còn rất chậm. Vì vậy điều quan trọng nhất là đề nghị những doanh nghiệp có con em nhà nông dân thì cho nghỉ để về tập trung thu hoạch cho gia đình. Các lực lượng như bộ đội, quân sự, các đoàn thể, tập trung lực lượng giúp nhân dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa. Người dân sinh sống tại đê biển, ở các chòi nuôi ngao và các chưng cư xuống cấp, đề nghị di chuyển trước 17 giờ ngày hôm nay"-ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm