Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực tế cho thấy, đối với quá trình phát triển du lịch ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, dư luận cũng như giới nghiên cứu văn hóa có các ý kiến không đồng nhất. Có ý kiến cho rằng, du lịch là một trong các nguyên nhân làm chệch hướng văn hóa truyền thống và làm sai lệch bản sắc văn hóa tộc người.

Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, du lịch chính là bối cảnh, là mảnh đất tốt đối với sự hồi sinh của những thực hành văn hóa dân gian truyền thống, là môi trường để bảo tồn và tái tạo những di sản văn hóa cộng đồng sau một thời gian bị sao nhãng bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Với ý kiến thứ nhất, đa phần được lý giải rằng, các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên như: nghệ thuật cồng chiêng, các lễ hội hàng năm, ẩm thực, nghề truyền thống, điêu khắc dân gian, kiến trúc dân gian… đều nằm trong một không gian văn hóa nhất định. Đó là buôn làng và với niềm tin tín ngưỡng đa thần. Để có sản phẩm vật chất và tinh thần của thành viên hay cộng đồng, họ cho là xuất phát từ niềm tin vào Yàng nên tất cả đều có “tính thiêng”. Bất cứ hoạt động nào của cá nhân hay tập thể buôn làng đều có sự giám sát của các vị thần tối cao. Do vậy, khi thực hành các hoạt động văn hóa, họ đều rất coi trọng phần lễ.

Hội viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) trình diễn dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Ảnh: Quốc Nguyễn

Hội viên Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) trình diễn dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Ảnh: Quốc Nguyễn

Ví dụ, trước khi đem cồng chiêng ra trình diễn, bắt buộc phải cúng Yàng chiêng và cho chiêng ăn. Bấy giờ, thực sự tiếng chiêng mới có hồn và người chơi chiêng mới hòa nhập được vào thứ âm thanh mê hoặc ấy. Từ đó, một số ý kiến cho rằng, các đội chiêng phục vụ trình diễn cho khách du lịch thưởng lãm thường không đem đến một hiệu ứng thăng hoa nào cho cộng đồng và người chứng kiến. Cũng như vậy, hoạt động trình diễn của các nghệ nhân đẽo tượng gỗ dân gian, cuối cùng cũng chỉ tạo ra những vật điêu khắc gỗ vô hồn, không phục vụ mục đích tối thượng khi vứt bỏ đi “tính thiêng” mà mọi thành viên trong cộng đồng để tâm tới.

Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng, chính bối cảnh du lịch là chất xúc tác quan trọng làm hồi sinh các hoạt động văn hóa truyền thống trong các cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng trước tác động của xu thế phát triển và hội nhập hiện nay. Ví dụ như hát kể khan (Ê Đê), hri (Jrai), hơamon (Bahnar), một thời gian đã bị lãng quên hoặc “theo”những nghệ nhân già về cõi atâu. Nhưng từ khi du lịch phát triển, nhiều du khách muốn được khai thác, tìm lại di sản văn hóa dân gian độc đáo này nên người ta đã tìm đến những nghệ nhân của buôn làng để được tái hiện nghệ thuật hát kể những bài sử thi Tây Nguyên. Hay gần đây, tại huyện Phú Thiện, nhờ bối cảnh du lịch mà đã phục dựng lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở Khu di tích lịch sử quốc gia Plei Ơi, xã Ayun Hạ. Đây là loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian đặc trưng của dân tộc Jrai, do các đời “Vua Lửa” với chiếc “gươm thần” trong truyền thuyết đã từng trực tiếp thực hiện nghi lễ này.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng vậy. Nếu không có sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” thì có lẽ nghề dệt truyền thống ở các buôn làng bị mai một và đến lúc có thể sẽ thất truyền. Bởi vậy, nhờ bối cảnh du lịch mà các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên được khơi dậy, được bảo tồn và phát huy. Từ đó, ý thức bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng của những chủ nhân văn hóa bản địa được nâng cao.

Qua thực tế công tác cũng như tham quan nhiều nơi ở vùng đất Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy rằng, môi trường tự nhiên và xã hội của các địa phương trên cao nguyên bazan này ngày càng có sự chuyển biến khá sâu sắc. Nền kinh tế phát triển mạnh, nhất là việc hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung; nhiều vùng nông thôn đã đô thị hóa, rừng lùi xa các buôn làng. Đời sống vật chất của đồng bào dân tộc bản địa tuy có được nâng lên một bước nhưng việc duy trì, phát huy văn hóa truyền thống ở nhiều buôn làng lại bị mai một do môi trường không còn phù hợp và điều kiện cuộc sống hiện tại, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc.

Do vậy, việc phát triển loại hình du lịch văn hóa bản địa trong hoàn cảnh mới hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên là một hướng đi đúng, vừa khơi dậy ý thức bảo tồn di sản trong cộng đồng các dân tộc, không làm mất đi bản sắc tộc người như một số người từng lo lắng, vừa nâng cao đời sống của người dân nhờ thu nhập từ kinh tế du lịch; đồng thời, tạo tiền đề để thế hệ trẻ tiếp nhận các di sản vật thể và phi vật thể của cha ông để lại một cách tự giác.

Có thể bạn quan tâm