(GLO)- Ngày 3-7-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Hiệu quả từ thực tế
Ông Lâm Quốc Triều-chủ cơ sở sản xuất cà gai leo Lâm Phúc (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: Đầu năm 2020, cơ sở triển khai trồng gần 3 ha cà gai leo (2 ha trồng thuần và gần 1 ha trồng xen trong vườn cà phê). Sau khi thu hoạch, cơ sở chế biến và cung cấp ra thị trường 2 loại sản phẩm gồm: trà cà gai leo sao khô và trà cà gai leo túi lọc.
“Cà gai leo là loại thuốc quý, có tác dụng rất tốt cho gan. Kỹ thuật trồng không quá khó, chỉ cần sử dụng giống đảm bảo chất lượng, đủ nước và trồng hoàn toàn hữu cơ. Chỉ sau 5-6 tháng là cho thu hoạch đợt 1 (cắt ngang cây và để lại gốc) và các đợt tiếp theo thu hoạch sau 3 tháng, chu kỳ của cây kéo dài trong 3 năm. Hiện mỗi ha cà gai leo cho thu hoạch khoảng 3,5-4 tấn, với giá dao động 135.000-140.000 đồng/kg sấy khô thì sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 90-100 triệu đồng/ha/năm”-ông Triều chia sẻ.
Mô hình trồng xen cà gai leo trong vườn cà phê của gia đình ông Lâm Quốc Triều (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: Lê Nam |
Huyện Chư Sê hiện có khoảng 350 ha cây dược liệu các loại, trong đó có 7 ha cát cánh, 35 ha đương quy, 40 ha cà gai leo, 10 ha hà thủ ô đỏ, 4 ha đan sâm, 100 ha đinh lăng...
Ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Sê rất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu. Đầu năm 2020, huyện đã xuất kinh phí 648 triệu đồng hỗ trợ người dân giống và thiết bị tưới để triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu. Ngoài ra, trên địa bàn có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và liên kết với người dân trong phát triển cây dược liệu.
Tương tự, tại huyện Chư Pưh, tháng 8-2019, Hội Nông dân xã Ia Hrú đã xây dựng mô hình trồng cây sâm Bố Chính với diện tích 4,5 ha gồm 5 hộ tham gia. Ông Vũ Đức Sắp (làng Dư) cho hay: “Được sự vận động của Hội Nông dân xã, tôi đã phá bỏ 1 ha hồ tiêu bị chết, đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, cải tạo đất để trồng cây sâm Bố Chính. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch được 2 tấn củ. Với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 120 triệu đồng. Trong vụ tới, tôi sẽ mở rộng thêm 1 ha nữa”.
Ông Vũ Đức Sắp (làng Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) bên vườn sâm Bố Chính. Ảnh: Lê Nam |
Ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú-cho biết: Mô hình trồng sâm Bố Chính bước đầu đã mang lại thành công. Sắp tới, Hội sẽ vận động người dân nhân rộng diện tích, tiến đến thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng sâm Bố Chính giúp bà con học hỏi lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Đồng thời, Hội cũng sẽ vận động nông dân trồng thêm cây Hoài Sơn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là hơn 985 ha và được trồng chủ yếu tại các huyện: Kbang, Chư Sê, Chư Prông, Ia Pa, Đak Pơ, Chư Pưh, Đak Đoa và thị xã An Khê.
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:“Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 4.579 ha cây dược liệu, trong đó, huyện Kbang có 871 ha, Chư Sê 950 ha, Chư Prông hơn 78 ha, Ia Pa 162 ha, Chư Pưh 300 ha, Đak Pơ 60 ha, Đak Đoa gần 1.992 ha, Ia Grai 48 ha, An Khê 118 ha. Tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu”. |
Quy hoạch, bảo tồn và phát triển vùng dược liệu
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Xác định việc phát triển cây dược liệu là phù hợp với xu hướng hiện nay, Huyện ủy Chư Sê đã xây dựng Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 với mục tiêu phát triển khoảng 500 ha cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao và xác định đây là cây trồng chủ lực. Đồng thời, UBND huyện đã có kế hoạch hỗ trợ kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho hợp tác xã xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản sản phẩm cũng như hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu Chư Sê.
Tại huyện Kbang, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Trên địa bàn huyện có khoảng 35 loại cây dược liệu, tập trung ở các xã: Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Sơ Pai, Krong. Lâu nay, người dân thường vào rừng thu hái các loại dược liệu về bồi bổ sức khỏe và bán cho các cơ sở thu mua. Từ năm 2006, huyện đã trồng thử nghiệm một số giống cây dược liệu. Đến năm 2016, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết về việc phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện cũng đã tổ chức ngày hội du lịch, hội chợ để giới thiệu tiềm năng và quảng bá các sản phẩm dược liệu. Đến nay, Kbang đã trồng được hơn 237 ha cây dược liệu. Trong đó, người dân trồng tập trung và trồng dưới tán rừng các loại dược liệu như: sa nhân tím, sâm đá, đương quy, đinh lăng, gấc, nghệ…
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020, định hướng đến 2030” nhằm bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh.
Mục tiêu của Đề án là góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây dược liệu trở thành một lĩnh vực có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; từng bước xây dựng các vùng cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và thị trường.
Để đạt được điều đó, ngành Nông nghiệp và PTNT và chính quyền các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu; quảng bá thương hiệu các sản phẩm dược liệu đặc trưng, có giá trị được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dược liệu. Cùng với đó, quy hoạch, bảo tồn và phát triển các vùng dược liệu tập trung phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên, tiểu vùng khí hậu và khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc trong vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một số lâm phần khác. Bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp phát triển vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn.
LÊ NAM-NGỌC SANG