TN - Đất & Người

Bảo tồn văn học dân gian Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nếu tính từ Kon Tum đến Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên có đến mấy chục dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có vị trí địa lý, lịch sử khác nhau, có phong tục tập quán khác nhau, có cách sống khác nhau, sự thích nghi với môi trường tự nhiên và xã hội khác nhau... nên văn học cổ truyền của họ rất phong phú. Ở đó, có những cái chung và những cái riêng, rất thú vị. Nói, Tây Nguyên có một “vựa” văn học cổ truyền của các dân tộc sống trên dải đất này cũng là vì thế.

Đa phần đây là văn học dân gian, bởi đơn giản họ chưa có chữ viết, tức là chưa có văn học thành văn. Lịch sử văn học vùng đất này có một chuyện thú vị mà gần đây mới “giải mã”, đó là toàn bộ những phần dân ca ca dao Tây Nguyên mà lâu nay chú thích phía dưới là “Ngọc Anh sưu tầm và dịch” thì lại chính là của nhà thơ Ngọc Anh. Ông chính là người sáng tác chứ chả phải sưu tầm gì cả. Sau khi ông mất, đồng đội và đồng nghiệp mới phát hiện và “trả lại tên” cho ông, trong đó, được nhiều người biết đến nhất, là phần lời bài hát nổi tiếng “Bóng cây kơ nia”, nhạc Phan Huỳnh Điểu.

 

Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Cũng như mọi nền văn học dân gian khác, hiện nay, nguồn văn học dân gian Tây Nguyên cũng đang cạn nguồn, bởi mấy lý do chính sau đây: Một là, nghệ nhân dân gian đang vơi dần. Họ già và chết đi, mang theo những gì họ có. Điều này không chỉ ở văn học dân gian mà ở tất cả các ngành nghệ thuật dân gian khác. Và cũng là nỗi đau đầu của bất cứ ai có trách nhiệm và quan tâm. Hai là, thực ra lâu nay chúng ta đã làm khá tốt việc sưu tầm nên hầu như những gì đã có thì đều đã được sưu tầm rồi. Ba là, đời sống hiện đại, văn học nghệ thuật nói chung, cả đương đại, cũng khó được phổ biến, bởi rất nhiều yếu tố, nhưng người đọc lười đi, chỉ thích đọc thông tấn, những gì nhanh nhẹ không phải suy nghĩ... kỹ thuật số lên ngôi, tin tức vào tận phòng ngủ. Và, còn nhiều lý do khác nữa.

Văn học dân gian (văn học cổ truyền) Tây Nguyên có thể kể tới ở đây các thể loại như: sử thi, câu đố dân gian, lời dân ca, chuyện cổ tích... Riêng với sử thi thì đây là cách gọi của các nhà nghiên cứu và quản lý. Từng dân tộc có cách gọi riêng cho thể loại này, ví dụ người Jrai gọi là Hri, Bahnar là Hơ amon, người Mnông là Ot ntrong, người Êđê là Khan. Đây là những câu chuyện dài, do một người hoặc vài người trong từng làng kể được, họ kể thâu đêm, nhiều đêm, khi kể có sự phụ họa của các “đạo cụ” là lửa, vách nhà, các động tác tay chân, giọng nói. Tất cả các thể loại trên gắn với nghệ nhân, những người tài hoa trong cộng đồng. Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, văn học thành văn hay dân gian cũng vậy, tác giả phải là những người tài hoa hơn người, biết hình tượng hóa bằng ngôn ngữ những câu chuyện, kể hấp dẫn để thu hút người xem, nghe.

Nhưng nghệ nhân văn học dân gian Tây Nguyên còn có những đặc thù riêng.

Đa phần là họ nghèo, có người rất nghèo. Anh Nguyễn Quang Tuệ-Chi hội trưởng chi hội Văn nghệ Dân gian Gia Lai có sáng kiến là kêu gọi tài trợ để... cấp “lương” cho các nghệ nhân. Mỗi cụ một tháng được mấy trăm ngàn đồng để tiêu vặt thôi chứ chả thấm gì. Nhưng, điều này khiến các cụ thấy mình... quan trọng. Không phải mình quan trọng mà cái việc mình biết nhiều chuyện nó quan trọng.

Thêm nữa, hầu như những nghệ nhân văn học dân gian không biết chữ. Tất cả những gì họ làm: nhớ, biết diễn tả câu chuyện ấy, có thể bổ sung chút chút cho mỗi lần kể... là từ khả năng trời cho của họ chứ hoàn toàn không có bài vở lớp lang gì hết. Đời này truyền đời kia, bởi vậy, số sử thi mà một số cơ quan nhà nước sưu tầm được giờ đã là một khối lượng khổng lồ.

Qua tìm hiểu, tôi biết, sự liên thông giữa các làng là rất ít chứ đừng nói là vùng, nhưng lạ là, trong những câu chuyện họ kể, có những mô típ khá chung. Đã có nhà nghiên cứu “đồ chừng” rằng, phải chăng cả vùng Tây Nguyên này chỉ có một hoặc vài cái sử thi thôi, còn lại là các “mảnh vỡ” của một hai cái sử thi khổng lồ kia.

Hiện nay, sản phẩm văn học dân gian Tây Nguyên thu về được là khá nhiều. Có cái đang nằm trong băng (hình và tiếng), có cái trong sổ tay, trong những tập ghi chép dày cộp và có cái đã xuất bản, nguyên bản hoặc đã dịch... Vấn đề là tiêu thụ nó như thế nào. Lại cũng vẫn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, thi thoảng anh lại “rao” trên facebook của mình rằng có cuốn như thế, như thế, quý lắm, hay lắm, vừa xuất bản, ai mua thì đăng ký, sách sẽ chuyển đến tận nhà. Nhưng, rất... không chạy.

Từng và đang có một dự án rất lớn là “dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam” đã in và... cấp không hàng ngàn cuốn sách rất đẹp về các cơ quan liên quan và thấy nó... rất ít người đọc, nếu không muốn nói là có khi còn... không được mở ra. Có nhiều lý do, hàng vạn lý do, nhưng nếu căn cứ vào cái ý tưởng ban đầu là “cứ sưu tầm rồi giữ lại đã” thì đã thành công bước đầu.

Vấn đề tiếp theo là, xử lý khối tài liệu khổng lồ ấy, lọc ra từ hàng vạn văn bản ấy, câu chuyện ấy, những thứ là vàng ròng, là của quý thật sự, giới thiệu, nghiên cứu một cách bài bản, để người đọc không ngợp trong khối tài liệu thô kia. Đấy là việc của các nhà nghiên cứu, chứ các nghệ nhân, họ đã có quyền tự hào rằng, những gì của cha ông, họ đã giữ được (một phần thôi) và đã trao lại cho hậu thế. Và như thế cũng đã là quá giỏi rồi...

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm