Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bảo trì đường bộ: Nhiều khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do khó khăn về nguồn vốn nên công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông tại các địa phương ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) Gia Lai, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh do UBND cấp huyện quản lý có tổng chiều dài 11.237 km, trong đó, đường đô thị dài 965 km, đường huyện 1.900 km, đường xã 2.383 km, đường trục thôn 5.989 km.

Nhằm thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 12-10-2017 về phân công, phân cấp và trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác cầu, đường, tổ chức giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, Sở GT-VT đã chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng GT-VT Trung ương III tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức cấp xã, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế-Hạ tầng các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ.

 Sửa chữa đường nội thị tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Anh
Sửa chữa đường nội thị tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Anh


Đồng thời, các địa phương cũng đã thực hiện đúng theo phân cấp quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện do UBND cấp huyện quản lý bảo trì; hệ thống đường xã, thôn buôn, ngõ xóm nội đồng do UBND cấp xã quản lý. Hàng năm, các xã đã vận động người dân cùng tham gia sửa chữa hư hỏng nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, do ngân sách eo hẹp nên các tuyến đường do cấp huyện, xã quản lý chỉ đáp ứng 15-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu.

Ông Phan Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-thông tin: Toàn huyện có hơn 41 km đường đô thị, 92 km đường huyện, hơn 484 km đường xã và hàng trăm km đường trục thôn, xóm. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng đã lâu nên bắt đầu xuống cấp. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương eo hẹp nên việc bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên gặp nhiều khó khăn. Dù huyện rất quan tâm nhưng hàng năm chỉ bố trí từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu duy tu, bảo dưỡng.

Những khó khăn của huyện Kông Chro cũng là thực trạng chung của hầu hết các địa phương trong công tác bảo trì đường bộ được phân cấp quản lý, dẫn đến hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Qua kiểm tra thực tế công tác duy tu, sửa chữa trên một số tuyến đường, Sở GT-VT cho rằng còn nhiều tồn tại hạn chế như: trên tuyến hư hỏng mặt đường chưa được sửa chữa kịp thời; hệ thống an toàn giao thông không được duy tu, bảo dưỡng; hệ thống biển báo cũ mờ hư hỏng phản quang, cọc tiêu cũ, gãy đổ không được sơn sửa, bổ sung; việc phát quang hầu như chưa được chú trọng thực hiện; các công trình thoát nước hầu hết không được khơi thông... Ngoài ra, công tác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến giao thông nông thôn chỉ mang tính đột xuất, không liên tục thường xuyên. Đặc biệt, trên các tuyến đường huyện, đường xã thiếu hệ thống biển báo rất nhiều, chưa được địa phương bổ sung lắp đặt kịp thời. Đối với các tuyến đường thôn, làng, nội đồng thì hầu hết không có biển báo.

Ông Hà Anh Thái-Trưởng phòng Kết cấu-Hạ tầng giao thông (Sở GT-VT) cho biết: Hiện nay, các địa phương tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho công tác bảo trì chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Để tăng cường công tác bảo trì hệ thống đường do địa phương quản lý, ông Thái cho rằng: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần bố trí thêm nguồn kinh phí tương xứng cũng như chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống an toàn giao thông như: biển báo, cọc tiêu, tường hộ lan… để có lộ trình, kế hoạch sửa chữa, bảo trì. Cùng với đó là kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn, nhất là các tuyến đường phân cấp cho UBND cấp xã quản lý, nhằm kịp thời đánh giá và chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục các hư hỏng, điểm mất an toàn giao thông.

 

 LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm