Bạn đọc

Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí: Cần tiếng nói chung của người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất những giải pháp trong công tác bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, sáng 5-11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn chuyên đề bàn về vấn đề này tại TP. Hồ Chí Minh. 

Nhiều vấn đề đặt ra

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, đại diện lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Đinh Gia Cư
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đinh Gia Cư


Tại diễn đàn, các tham luận chuyên sâu bàn về thực trạng vi phạm bản quyền cũng như kiến nghị các giải pháp ngăn chặn vấn đề vi phạm bản quyền. Diễn đàn được đánh giá là hoạt động tiếp nối khởi động cho những sáng kiến mới trong khuôn khổ “Dự án phát triển báo chí Việt Nam” giai đoạn 2020-2024.

Phát biểu đề dẫn và tham gia ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm-Cục trưởng Cục Báo chí-cho rằng, thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, đa hình, đa dạng, không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu. Thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng, nguồn thu nhập từ quảng cáo của các cơ quan báo chí mà còn nguy hại đến vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới.

Theo ông Lâm, sẽ không còn cơ hội tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí chính thống nếu việc vi phạm bản quyền tràn lan không được kiểm soát. Ví như, năm 2018, theo thống kê từ các ngân hàng thương mại trong nước, số lượng tiền từ các tổ chức, cá nhân trong nước chuyển cho hai nhà mạng lớn nhất là Facebook và Google là 900 triệu USD (hai nhà mạng lớn chiếm 80% thị phần quảng cáo toàn cầu hiện nay).

Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành-Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho rằng, trong lĩnh vực báo chí, mỗi sản phẩm của mình, đứa con tinh thần của mình sinh ra mà không được bảo vệ, bị đánh cắp sẽ là nỗi buồn, nỗi thất vọng lớn không chỉ với mỗi nhà báo mà với tất cả các cơ quan báo chí... Thực tế cho thấy, sự sao chép, đánh cắp bản quyền tác giả xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tinh vi hơn, không chỉ đối với mạng xã hội mà còn phổ biến ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Ông Thành cũng cho biết: "Về phía góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bản quyền, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đang tiếp tục kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, tránh sự chồng chéo, nửa vời như hiện nay". 

Cần có liên minh bảo vệ

Đề cập vấn đề “Liên minh bảo vệ quyền tác phẩm báo chí”, nhà báo Lê Xuân Trung-Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ-cho rằng, lâu nay, sự chia sẻ, đánh cắp bản quyền tác phẩm báo chí được xem như một hình thức công bố thông tin một cách công khai của các cá nhân, tổ chức mà không hề có sự cam kết, liên kết nào .

Quang cảnh buổi diễn đàn. Ảnh: Đinh Gia Cư
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Đinh Gia Cư


Riêng tại Báo Tuổi trẻ, ông Trung dẫn chứng, trong 7 năm có 350 công văn của các tổ chức, cơ quan báo chí xin khai thác lại thông tin nội dung của Báo Tuổi trẻ, chủ yếu là các trang thông tin điện tử. Thậm chí có trường hợp giả mạo cả tên miền, giả mạo thương hiệu được Báo Tuổi trẻ phát hiện và đề nghị xử lý.

“Hậu quả của việc sao chép, đánh cắp thương hiệu, vi phạm bản quyền tác giả cuối cùng sẽ là “tự đánh mất mình, biến bản quyền của cơ quan báo chí mình như một tiệm tạp hóa”-ông Trung nhấn mạnh.

Nhà báo Đinh Đức Thọ-Tổng Thư ký tòa soạn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ, trước thực trạng vi phạm bản quyền tác giả ở mức nghiêm trọng trong thời gian qua, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ bảo vệ bản quyền. Hàng tháng, đơn vị này thường xuyên kiểm tra theo dõi, phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm quyền tác giả của cơ quan Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh để tổng hợp đề xuất các phương án xử lý theo quy trình, theo từng cấp độ như: gọi điện thông báo nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý...

Hầu hết các tham luận tại diễn đàn đều ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Báo Tuổi trẻ, đề nghị các cơ quan báo chí cần lên tiếng, cần có tiếng nói chung, cùng sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để xử lý vi phạm bản quyền, hay còn gọi là “liên minh bảo vệ bản quyền”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Diễn đàn bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí là hoạt động thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong lộ trình đổi mới hòa nhập của báo chí Cách mạng Vệt Nam với báo chí thế giới. Trong lúc chờ đợi sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định hiện hành, các cơ quan báo chí cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và cùng có những hành động tự bảo vệ mình.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng thừa nhận trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là cần phải sớm triển khai vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phải có sự thống nhất, phối hợp đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ quyền tác giả. Trong thời gian chờ đợi lấy ý kiến công khai của toàn xã hội, các cơ quan báo chí cũng cần phải quan tâm, vào cuộc đăng tải, nêu lên những vấn đề bất cập của mình cho người dân cũng như cấp có thẩm quyền biết để tiếp thu, chỉnh sửa.

ĐINH GIA CƯ

Có thể bạn quan tâm