Tháng 9 hằng năm, khi những cơn mưa lớn trút xuống, chim di cư bắt đầu kéo về và trên nhiều cánh đồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh bẫy chim được giăng khắp nơi.
Nhiều nhà hàng, quán ăn ngang nhiên giết thịt, chế biến, đặt bảng hiệu giới thiệu món chim trời để hút khách. Hậu quả là số lượng chim hoang dã, chim di cư bị giảm mạnh. Những đàn cò trắng thân thuộc cũng thưa dần, thậm chí mất hút trên các cánh đồng...
Lực lượng chức năng ở Nghệ An thu giữ bẫy chim trên các cánh đồng. Ảnh: CTV |
Hồi tháng 5, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 04 về một số giải pháp cấp bách để bảo tồn loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, trong đó yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư.
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, sau khi có Chỉ thị 04, từ đầu tháng 9 đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần đi kiểm tra, thu giữ hàng chục ký lưới, hàng ngàn que bẫy nhựa, phá bỏ các chòi canh để bẫy chim và thả về tự nhiên hàng ngàn con chim bị săn bắt. Một số chủ nhà hàng cũng bị xử lý vì tàng trữ, chế biến trái phép chim hoang dã. Những việc làm tích cực này đã hạn chế được rất nhiều các hành vi săn bắt chim, loại bỏ tư tưởng “chim trời cá nước, ai được thì ăn”.
Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu. Hiện nay, nước ta đã ghi nhận hơn 900 loài chim, trong đó có 99 loài cần quan tâm bảo vệ, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa. Một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam.
Cần phải gấp rút ngăn chặn việc săn bắt, tiêu thụ bừa bãi các loài chim hoang dã, đặc biệt loài chim di cư đã ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường...
Theo Khánh Hoan (TNO)