Thời sự - Bình luận

Ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã chủ động giao hạn mức tín dụng cả năm là 15% cho các NH thương mại.

Trong trường hợp cần thiết và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép, có thể tăng thêm hạn mức nên không lo thiếu vốn cho nền kinh tế. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn dồi dào, những doanh nghiệp (DN) có dự án hiệu quả và đáp ứng điều kiện tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cho vay.

Mặt khác, lãi suất hiện đã rất thấp trong vài chục năm nay, nhất là với các khoản vay mới. Quan điểm của NH Nhà nước là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát, tỉ giá. Thời điểm này, NH Nhà nước chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất mà duy trì mức lãi suất điều hành như hiện nay, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, nhất là với lĩnh vực ưu tiên.

Một chính sách hỗ trợ DN khác cũng được ngành NH triển khai là kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn các khoản nợ cho DN đến hết năm nay, thay vì chỉ tới ngày 30-6. Các NH thương mại sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi; tạo ra nguồn vốn ưu đãi cho DN; ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí, đẩy mạnh kết nối NH - DN...

Hiện nay, vấn đề lớn trong điều hành chính sách tiền tệ là áp lực tỉ giá. Năm 2023, VNĐ mất giá khoảng 2,6% nhưng so với các nước xung quanh, việc giữ được mức này là rất nỗ lực. Chẳng hạn, ở Đài Loan (Trung Quốc) mức trượt giá là 5,96%; hay Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... đều ghi nhận đồng tiền mất giá ở mức cao.

Đến nay, tỉ giá USD/VNĐ đã giảm khoảng 4,8% so với cuối năm ngoái. NH Nhà nước đã thông tin rõ ràng rằng trong trường hợp cần thiết để ổn định tỉ giá sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Tuy nhiên, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn nên việc điều hành tỉ giá lúc này rất quan trọng. NH Nhà nước sẽ điều hành tỉ giá một cách hợp lý để tránh tác động tới lạm phát. Quan điểm của ngành NH là ổn định tỉ giá chứ không phải cố định, bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không thể âm. Các giải pháp đang được triển khai là điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý để hài hòa với tỉ giá và tính toán mức độ hợp lý để đạt cả 2 mục tiêu trên.

Cần lưu ý việc điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt là giải pháp để chống đầu cơ, tích trữ ngoại tệ. Cùng với nỗ lực của ngành NH, rất mong các DN và nền kinh tế cũng không nên găm giữ, đầu tư ngoại tệ, tạo áp lực về trạng thái cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế.

NH Nhà nước vẫn duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên vì có xuất khẩu mới có ngoại tệ. Trong đó, xuất khẩu cà phê đang được giá nên các NH phải ưu tiên cho vay. Đối với DN xuất khẩu gỗ hay kinh doanh lúa gạo ở khu vực ĐBSCL, ngành NH cũng phối hợp với các hiệp hội triển khai quyết liệt giải pháp đẩy mạnh cho vay. Trong các chính sách của NH Nhà nước, chính sách tín dụng cho xuất khẩu luôn được ưu tiên.

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm