Thời sự - Bình luận

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Cách đây 49 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam; mở ra kỷ nguyên mới, cơ hội mới để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh.

Kế thừa và phát huy tinh thần Chiến thắng 30-4, trong 49 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhân dân Việt Nam đã lập nên nhiều kỳ tích khiến bạn bè năm châu phải kính trọng, nể phục. Điều đó đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Hòa cùng niềm vui khải hoàn của cả dân tộc, ngay sau ngày tỉnh nhà được giải phóng (17-3-1975), Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chăm lo cải thiện đời sống người dân… tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Từ một vùng chiến địa hoang tàn với bom mìn dày đặc, đến nay, Gia Lai đã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, hiện đại phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội và các nhu cầu thiết yếu khác. Cùng với đó, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể với GDP bình quân đầu người ở mức 59,08 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 3/17 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 141 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 116 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số)…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc với hơn 66 ngàn đảng viên. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên không ngừng được nâng cao. An ninh trật tự, an ninh biên giới được giữ vững ổn định. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố, nâng cao.

Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tự hào về truyền thống anh hùng và những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024 và nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Để các chỉ tiêu nghị quyết trở thành hiện thực, trước mắt, các ngành, địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 63-Ctr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương liên quan cần nhanh chóng triển khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, các ngành, địa phương cũng cần tập trung tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)… để nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đưa Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững vào năm 2030.

Có thể bạn quan tâm