Thời sự - Bình luận

Con chữ và học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cần có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, đánh giá chuẩn đầu ra đối với học sinh theo học mô hình tiên tiến.

Đề xuất của Phòng GD-ĐT quận 5 về việc tăng học phí tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TPHCM) năm học 2024-2025 lên 7,8 triệu đồng/học sinh/tháng (tăng hơn gấp đôi so với năm học trước) đã không nhận được đồng thuận của phụ huynh. Nếu so với học phí của trường công lập (không triển khai mô hình tiên tiến), mức thu nói trên cao hơn 4 lần và tương đương học phí trường ngoài công lập chất lượng cao.

Trước khi quận 5 đề xuất triển khai mô hình tự chủ tài chính tại Trường Mầm non Vàng Anh, quận Gò Vấp từng có kế hoạch xây dựng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ theo mô hình này. Một trường hợp khác, Trường Mầm non Nam Sài Gòn (quận 7) triển khai khá thành công mô hình tự chủ tài chính với mức thu học phí khoảng 4,6 triệu đồng/học sinh/tháng.

Mô hình tự chủ tài chính trao quyền chủ động nhiều hơn cho các trường học trong việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chương trình giáo dục. Nhờ chủ động được nguồn kinh phí hoạt động, không dựa vào ngân sách nên giúp các trường thuận lợi triển khai các phương pháp dạy học mới, tiệm cận chất lượng các nền giáo dục phát triển trên thế giới, phát huy sự đóng góp của người học vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Vậy vì sao kế hoạch xây dựng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) hay mới đây nhất là Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5) theo mô hình tự chủ tài chính chưa nhận được đồng thuận của phụ huynh? Rào cản đầu tiên đối với phụ huynh là vấn đề học phí cao. Tiếp đó là sự hoài nghi về chất lượng đào tạo có tương xứng với học phí bỏ ra hay không bởi hiện nay ngành giáo dục chưa có tiêu chuẩn, quy định nào về phòng học thông minh, phòng thực hành thí nghiệm thông minh hay thư viện thông minh ở các trường học. Vì vậy, tuy có tên gọi chung là mô hình chất lượng cao nhưng mỗi nơi triển khai một kiểu, chất lượng giáo dục đo lường chủ yếu bằng… sự tín nhiệm của phụ huynh.

Bên cạnh mô hình tự chủ, TPHCM còn triển khai Đề án Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế với mức thu học phí 1,725 triệu đồng/học sinh/tháng. Ưu điểm của mô hình này là sĩ số không quá 35 học sinh/lớp, giáo viên có trình độ năng lực cao, chương trình học thiết kế với nhiều hoạt động câu lạc bộ, sân chơi học thuật, nghiên cứu khoa học cho học sinh. Ở góc độ quản lý, hiện chưa có đánh giá đầy đủ về chất lượng đầu ra của học sinh các trường theo mô hình tiên tiến. Vì vậy, sau hơn 10 năm triển khai, số lượng trường thực hiện dừng khiêm tốn ở con số hơn 50 trường, chưa hoàn thành mục tiêu mỗi quận huyện và TP Thủ Đức có một trường theo mô hình tiên tiến ở mỗi cấp học, bậc học.

Để các mục tiêu giáo dục không đi chệch hướng, đồng thời có sự đồng thuận của phụ huynh, ngoài việc nâng cao trách nhiệm xã hội của người học, quản lý nhà nước cũng phải thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc quản lý và vận hành các mô hình giáo dục. Trong đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, đánh giá chuẩn đầu ra đối với học sinh theo học mô hình tiên tiến.

Điều 45 Luật Giáo dục 2019 quy định 3 loại hình trường trong hệ thống giáo dục quốc dân là trường công lập, trường dân lập và trường tư thục. Trong đó, loại hình trường công lập do Nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. Trong bối cảnh toàn ngành đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường học là cần thiết. Song, sẽ không thể đạt hiệu quả nếu địa phương triển khai ồ ạt theo phong trào, quá tập trung vào trang thiết bị hiện đại mà thiếu chú trọng đến chất lượng dạy và học.

Có thể bạn quan tâm