Kinh tế

Giá cả thị trường

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần giải pháp đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 10-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15-3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội ban hành vào năm 2010 thì đây là văn bản pháp lý quan trọng khẳng định sự công nhận của Nhà nước về vị thế của người tiêu dùng trong quan hệ xã hội. 

Từ quy định của pháp luật

Theo định nghĩa của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Từ định nghĩa này có thể thấy, người tiêu dùng là “người cuối cùng” tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, là người được (hoặc bị) ảnh hưởng nhiều nhất từ chất lượng của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi cung ứng.

Do vậy, hơn ai hết, chất lượng hàng hóa dịch vụ do người tiêu dùng phản ảnh có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp; là kênh thông tin đáng tin cậy giúp cơ quan nhà nước thu thập để đưa ra các quyết định về quản lý.

Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy


Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp; được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Đến việc thực thi


Với những quy định trên, quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật đảm bảo đầy đủ, rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào quyền của người tiêu dùng cũng được các doanh nghiệp thực thi đúng quy định.

Việc “lạm dụng từ ngữ” để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vẫn còn xảy ra ở nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Không khó để tìm kiếm trên thị trường những sản phẩm hàng hóa tự gán những dòng chữ “chất lượng hàng đầu” hay “sản phẩm số 1” lên nhãn, mặc dù không có tổ chức nào công nhận. Có thể nói đây là hình thức quảng cáo trên nhãn hàng hóa theo kiểu “lập lờ” nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Đặc biệt, đối với một số sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, những lời quảng cáo “có cánh”, có tác dụng thần kỳ, như: giảm cân, đẹp da, bổ sung vi chất dinh dưỡng và có khả năng chữa khỏi một số bệnh làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có cả sản phẩm hoàn toàn xa lạ với y văn thế giới, chưa được khoa học công nhận như vòng đeo tay diệt vi rút, vòng đeo làm tan mỡ bụng…

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh tạp hóa Thanh Hoa (03 Nguyễn Trãi, phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh tạp hóa ở TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện


Bên cạnh đó, quyền của người tiêu dùng về bảo hành hàng hóa cũng được Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định. Mặc dù vậy, trong thực tế, trừ một số loại hàng hóa đặc biệt như ô tô, xe máy và một vài sản phẩm hàng hóa điện tử-viễn thông được doanh nghiệp bán hàng quan tâm thực hiện, phần còn lại hầu như đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng.

Nguyên nhân là vì hiện nay, loại hàng hóa nào phải bắt buộc bảo hành vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể. Đây có thể xem là một lỗ hổng pháp lý rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội về thương mại mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ như sau:

Đối với các cơ quan quản lý, cần sớm ban hành quy định danh mục hàng hóa bắt buộc bảo hành, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Đối với doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng; có các chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp.

Đối với người tiêu dùng, hãy lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Khi mua hàng hóa cần yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn; cam kết thu hồi, bồi thường trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật. Đối với loại hàng hóa có bảo hành, người tiêu dùng cần yêu cầu bên bán hàng thực hiện đầy đủ quy định về bảo hành hàng hóa, như: điều kiện bảo hành, thời hạn bảo hành, địa điểm bảo hành và thủ tục bảo hành…

 

TRƯỜNG GIANG

Có thể bạn quan tâm