Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bất động sản chật vật vượt qua Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều công ty địa ốc phải vật lộn với tình trạng bù lỗ 6 tháng, thất thu hàng nghìn tỉ đồng, 75-80% nhân viên mất việc.
Phó tổng giám đốc điều hành một tập đoàn địa ốc chuyên phát triển khu đô thị tại các tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh cho biết, Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạch định và cấu trúc của doanh nghiệp. Thậm chí, có những tháng cao điểm cuối quý I đầu quý II/2020, công ty gần như "chết lâm sàng", không có bất cứ hoạt động nào, giống như trạng thái "ngưng thở".
"Để vượt qua cú sốc Covid-19, doanh nghiệp đào thải hàng loạt, số lượng nhân viên từ 2.000 người của năm 2019 nay giảm  còn 500 người, tương đương 75% sale đã thôi việc", ông nói.
Với 25% nhân sự còn lại, ông cho biết công ty vẫn tiếp tục khuyến khích mọi người chủ động đổi ngành nghề do nhận thấy cơ hội phục hồi của thị trường trong năm nay khá hẹp. 6 tháng cùng kỳ 2019, công ty đã bán hàng nghìn nền đất và nhà phố xây sẵn, doanh thu trên 3.000 tỉ đồng. Thế nhưng, đến tháng 6/2020, đại dịch khiến toàn hệ thống đóng băng, không thu về được đồng nào.
"Công ty phải bù lỗ gần 300 tỉ đồng để cầm cự dàn nhân sự còn sót lại, chưa kể trả nợ vay. Dù vậy, chúng tôi nỗ lực tinh gọn bộ máy, tái cấu trúc công ty để thích ứng và chuẩn bị cho sự trở lại vào đầu năm 2021", ông chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo một công ty địa ốc có trụ sở tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp chưa có dự án mới nào chào hàng ra thị trường - diễn biến tệ nhất trong vòng nửa thập niên trở lại đây. Song vì muốn duy trì toàn bộ quân số để sẵn sàng bán hàng khi đại dịch được kiểm soát trong nước, doanh nghiệp chấp nhận dùng nguồn vốn dự trữ để chi tiêu.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ mất cân đối tiền mặt, công ty xả hàng tồn kho, chiết khấu 20% giá trị sản phẩm để thu tiền về. "Giảm giá thì lo phản ứng domino nên chúng tôi chọn cách chiết khấu cho khách hàng thanh toán nhanh, chấp nhận giảm lợi nhuận để tồn tại", ông cho hay.
 
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trong khi đó, những doanh nghiệp phân phối, môi giới nhà đất cũng có kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử hình thành thị trường. Tại buổi tọa đàm "Thị trường bất động sản thế nào sau Covid-19" mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2019 cả nước có tổng số 1.200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, TP. Hồ Chí Minh có 500 sàn, Hà Nội 300 sàn còn lại là các tỉnh thành khác. Khi dịch diễn biến phức tạp, các tháng 2, 3, 4/2020 có đến 80% các sàn giao dịch trên cả nước tạm dừng hoạt động, số còn lại chỉ duy trì online.
Trên thực tế, từ cuối tháng 5/2020 đến nay, các công ty môi giới bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ đa phần hoạt động cầm chừng, co cụm thậm chí đóng cửa nếu không có sản phẩm để bán. Trong khi đó, các đơn vị có dự án để chào hàng cũng thận trọng không mở rộng quy mô nhân sự để tránh tình trạng phải nuôi hệ thống quá cồng kềnh. Riêng những công ty địa ốc chủ động được nguồn hàng dồi dào mới dám tuyển dụng nhân sự mới.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á nhận định, các công ty địa ốc đang đứng trước rủi ro về tài chính rất lớn trong 6 tháng đầu năm do tác động của Covid-19. Áp lực dòng tiền sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay, thậm chí lâu hơn, tùy vào quy mô và sức khỏe của doanh nghiệp.
CEO Ngọc Châu Á phân tích, Covid-19 làm suy yếu sức mua (bao gồm để ở lẫn đầu tư) của thị trường bất động sản. Đây là nút thắt đáng quan ngại nhất vì tác động tâm lý một khi đã xấu đi sẽ rất khó cải thiện. Có thể hình dung, nếu không có đại dịch thì sức mua của thị trường vẫn chậm nhưng không tiêu cực. Khách hàng vẫn đóng tiền những dự án đã mua. Ngân hàng vẫn giải ngân những dự án đã lên kế hoạch.
Thế nhưng, Covid-19 ập đến khiến dòng tiền bị nghẽn lại, thậm chí "đóng băng" tứ phía. Từ khách hàng, chủ đầu tư, ngân hàng đến các công ty môi giới đều mất thanh khoản tạm thời và chuyển sang trạng thái ưu tiên giữ lại tiền mặt để phòng thủ. Bánh răng đầu tiên là nguồn thu nhập của khách hàng bị đứng, dẫn theo các bánh răng sau lệch pha, sự gắn kết cung-cầu trở nên mong manh. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ từng cho rằng, nếu Covid-19 kéo dài thêm 6 tháng nữa, họ phải đóng cửa công ty do mất thanh khoản. Từ tháng đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chỉ loay hoay tìm cách tồn tại.
Ông Hạnh so sánh khủng hoảng 2008-2009 là một đòn knockout (hạ gục) thị trường bất động sản ngay từ cú đánh đầu tiên khiến doanh nghiệp chết hàng loạt còn Covid-19 là một trận đánh nhiều hiệp, nhiều kỳ có thể khiến doanh nghiệp chết mòn nếu không kịp thích ứng.
Những mắt xích bất ổn đầu tiên như khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại cho thuê... bắt đầu gượng dậy từ trung tuần tháng 5/2020, từng bước cải thiện với tốc độ chậm chạp. Thế nhưng, sự tổn thất của toàn thị trường bất động sản do tác động của đại dịch không diễn ra ngay lập tức mà ngấm dần dần. Có rất nhiều lỗ hổng của thị trường không dễ phát hiện ra ngay. Tuy nhiên, do Covid-19 tác động chậm nên những tháng còn lại của năm, doanh nghiệp vẫn có thời gian để thay đổi và thích nghi.
Theo Trung Tín (vnexpress.net/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm