Tham dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, cùng khoảng 500 đại biểu, chủ đầu tư về BĐS và các lĩnh vực có liên quan đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thị trường BĐS Khánh Hòa đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng đã có tín hiệu khởi sắc về sự tăng trưởng nhất định.
"Trong năm 2023, phát sinh 19.951 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch 12.396 tỉ đồng; có 11 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quý 1/2024, BĐS trên địa bàn tỉnh phát sinh 5.941 giao dịch, với tổng giá trị giao dịch 7.630 tỉ đồng", ông Tuân thông tin thêm.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại diễn đàn |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3.2024, nhóm ngành BĐS đứng thứ hai với hơn 1,58 tỉ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký FDI. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả việc tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện các dự án BĐS tại nhiều địa phương, góp phần tăng nguồn cung cho thị trường.
Với những nỗ lực trên, thị trường BĐS đầu năm 2024 dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói rằng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dần có những dấu hiệu tích cực hơn và hứa hẹn sẽ khởi sắc.
Các đại biểu góp ý kiến tại diễn đàn về BĐS du lịch nghỉ dưỡng |
"Thông qua diễn đàn, Ban tổ chức mong muốn các chuyên gia hàng đầu, uy tín trong lĩnh vực BĐS cùng các đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, phân tích và đánh giá những thách thức và chỉ ra những cơ hội mới cho thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh kỳ vọng.
Theo TS Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới đi ngang hoặc giảm nhẹ, riêng Việt Nam dự báo năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn năm 2024.
Khánh Hòa là một trong những địa phương có số lượng BĐS du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước |
TS Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn… Đồng thời, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ; đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn – thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, văn hóa doanh nghiệp và sẵn sàng thực thi các luật...
"Đối với tỉnh Khánh Hòa, cần xem xét cấp sổ hồng cho các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đáp ứng đủ điều kiện; thực hiện tốt chính sách về giãn hoãn, giảm thuế phí và cơ cấu lại nợ, tín dụng BĐS phù hợp…", TS Lực gợi mở.