Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bất động sản ngoại ô không còn của người giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thị trường bất động sản ngoại ô xuất hiện những sản phẩm mới vào những năm từ sau 2011 và đến nay đang đánh dấu bước tiến lớn của nghỉ dưỡng ngoại ô.
Thị trường của người giàu
Từ khái niệm “nhà vườn” hay “second-home” thành khái niệm “thị trường nghỉ dưỡng”, ở đó có người sở hữu, có đơn vị quản lý, có khách du lịch và là nơi mở rộng cơ hội được trải nghiệm không gian xanh trong lành bên sườn đô thị.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô, thị trường du lịch ngoại ô Hà Nội được khởi nguồn từ những năm đầu của năm 2000 bằng cái tên rất đáng yêu “Nhà vườn”; với 4 thủ phủ chính là Sóc Sơn, Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc và Ba Vì.
“Đây là thị trường của những người giàu. Giàu và sang. Họ không chỉ giàu tiền, mà còn giàu lãng mạn, giàu thời gian”, ông Chung nói.
 
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô
Dẫn giải thêm về chia sẻ trên, theo ông Trung, thời điểm trước, mỗi nhà mua vài ngàn đến vài chục ngàn mét vuông, xây nhà rộng, nhiều nhà có bể bơi riêng. Họ thuê người trông nom trồng rau nuôi gà. Một cuộc sống chuẩn thượng lưu. Cuối tuần, cả nhà lên ô tô phóng ra ngoại ô. Kê chiếc bàn gỗ dưới gốc cây, làm tách trà xanh ngắm khu vườn xanh mơn. Bơi ở bể bơi trong vườn. Buổi tối với mấy món thịt nướng ngoài trời bên ly rượu vang hay lon bia lạnh.
Để chi phí cho một ngôi nhà như vậy, ngoài tiền đầu tư thì việc duy trì cũng khá tốn kém. Với tối thiểu 2 người trông nom và các chi phí đầu tư thêm, bảo trì bảo dưỡng… thì đây thực sự là thú chơi của người thực sự giàu. Giàu một cách ổn định.
Nhưng nó thực sự cuốn hút. Đến nỗi trải qua qua khủng hoảng kinh tế năm 2008, nó không sụt giảm mà vẫn gia tăng, theo cách còn chuyên nghiệp hơn.
Theo đó, bắt đầu hình thành những cộng đồng lớn hơn, hội tụ thành từng quần thể gọi là “xóm Hà Nội” và hình thành những công ty quản lý để chăm sóc cho những biệt thự đó chuyên nghiệp, cao cấp hơn.
Vào những năm 2009, 2010, thay vì cần thuê người ở thường trực và đa phần việc vệ sinh, bảo trì không đủ tiêu chuẩn và làm chủ nhà mất nhiều thời gian, thì các công ty hình thành khiến cho việc sử dụng các biệt thự nhà vườn dễ dàng hơn, chi phí lại giảm hơn nhiều.
Sản phẩm của thị trường
Sự chuyển hóa thực sự xảy ra vào thời gian từ 2012 đến 2015. Thời điểm thị trường gặp những khó khăn lớn.
Theo cách nhìn Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô Nguyễn Thành Trung này, thị trường chỉ còn dưới 20% lượng biệt thự được sử dụng như cách nó sinh ra. Các chủ nhà vẫn rất hạnh phúc với căn nhà của mình. 80% còn lại nhiều căn được cải tạo lại và gia nhập thị trường homestay, một số ít được sử dụng, một số gần như không được sử dụng.
Vấn đề của mô hình cũ này ở hai điểm: Một là chủ nhà phải tốn kém chi phí cho việc sử dụng nhà. Hai là khó thanh khoản khi cần bán vì mỗi sản phẩm chính là cá nhân của chủ nhà. Thường chỉ bán cho người có cùng sở thích. Nên nó chỉ dành cho một số nhỏ. Không thể đại chúng.
 
Nhiều dự án bất động sản ven đô lớn đã xuất hiện, phù hợp hơn với nhu cầu người dân. 
Thế chân của mô hình cũ, mang tính đại chúng hơn và khắc chế được các yếu điểm cũ, thị trường ngoại ô xuất hiện những sản phẩm mới vào những năm từ sau 2011. Theo đó, các khu biệt thự có nhiều thay đổi cơ bản.
Và đến nay, năm 2019 là năm đánh dấu bước tiến lớn của nghỉ dưỡng ngoại ô. Khi khái niệm “thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô” được đánh giá như một mảng thị trường chính thức.
Đáng chú ý, các khu nghỉ dưỡng ngoại ô vận hành theo mô hình ủy thác quản lý được vận hành và hình thành mới liên tục. Hoàn thiện về sản phẩm và vận hành chuyên nghiệp. 
Tiếp đó, cách chủ đầu tư có tiếng trên thị trường liên tục bước chân về ngoại ô để thực hiện các dự án lớn. Lượng khách hàng quan tâm đến nghỉ dưỡng ngoại ô tăng vọt.
Lý giải cho hiện tượng tâm điểm mới đầu tư chuyển dịch về ngoại ô, ông Trung cho rằng, lực đẩy từ nội đô là động lực hình thành thị trường nghỉ dưỡng. Khi các thông tin về ô nhiễm, sự chật chội đẩy nhanh mức độ nhận thức của người dân. Khiến đa số người dân nội đô bị thôi thúc việc tìm đến không gian xanh như một việc tất yếu.
Ngoài ra, theo giới đầu tư thì nghỉ dưỡng ngoại ô đang là sản phẩm lý tưởng khi đáp ứng tốt cả 3 tiêu chí cốt lõi của bất động sản nghỉ dưỡng: Sử dụng; Tăng trưởng; Lợi nhuận thuê ổn định.
“Rõ ràng tính sử dụng rất tốt vì khả năng tiếp cận dễ dàng. Chỉ mất dưới 1 tiếng là cả gia đình có thể tiếp cận căn nhà của mình. Điều thiếu sót nhất của nghỉ dưỡng ngoại ô chỉ là không có biển. Mà mới một lượng rất lớn người dùng thì điều đó không phải vấn đề. Quan trọng là được nghỉ ngơi trong không gian trong lành”, ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Chung, hiện nay các chủ đầu tư nghỉ dưỡng ngoại ô đều có chính sách cho chủ nhà lượng ngày dùng đến 30 ngày và đặc biệt là được ở chính nhà của mình. Điều này khiến chủ nhà thấy thân thuộc hơn. Đây là điểm rất Việt Nam và phù hợp với tập quán sở hữu của người Việt. Cảm giác thân thuộc đem lại cảm xúc rất khác biệt.
Trần Kháng (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm