Bạn đọc

Bất lực với "cẩu tặc"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xóm tôi dân cư còn thưa thớt nhưng chó thì nhiều. Chiều chiều, chó lớn chó bé tụ tập đùa giỡn, đuổi nhau sủa inh ỏi cũng vui mắt vui tai. Có lẽ điều này không qua mắt được đám “cẩu tặc” nên ngày nào cũng thấy xuất hiện vài ba kẻ lạ mặt khả nghi dong xe vòng vòng. Chúng ra tay ngay: Chỉ trong vòng 1 tháng, đầu xóm cuối thôn mất hàng chục con.
Mới hôm qua thì đến lượt con Lu nhà tôi tới số. Con chó cỏ này khôn lắm, giữ nhà rất chừng mực, chỉ báo động chứ không cắn càn, cho ăn gì cũng được, thấy chủ là chạy đến quấn quýt, được xoa đầu một hai cái là mãn nguyện lắm. Trong số 4 con chó được gia đình tôi nuôi, Lu có tính cách khôn ngoan nhất, làm nhiệm vụ giữ nhà khá hiệu quả, cả nhà ai cũng thương và cứ thế mà tự nhiên trở thành một thành viên trong gia đình. Hôm ấy, con Lu chỉ một thoáng chạy ra đường, ăn phải bả, cố chạy thoát về nhà thì gục chết ngay cổng. Mất Lu, cả nhà tôi buồn và tiếc lắm.
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Nhiều gia đình rất thương yêu động vật và dành cho chúng tình cảm như giữa người với người, vậy nên hoàn toàn có thể hiểu được sự phẫn nộ của mọi người khi chó nhà nuôi bị sát hại, bắt trộm bằng những hình thức dã man: bả thuốc, bắn điện, câu cổ kéo lê. Tôi từng chứng kiến cảnh 2 thanh niên xốc con chó lai Berger lên yên xe máy, còn kịp chỉ tay về phía bà hàng xóm đứng chôn chân cách đó chỉ chục mét hăm dọa: “Mày đến đây!” rồi thản nhiên rồ ga chạy mất. Chiều, ông chồng đi làm về nghe vợ vừa khóc vừa kể, bực mình oang oang: “Có tôi ở nhà, 2 thằng ấy phải... đền mạng!”. Thực tế đã có kẻ trộm chó phải đền mạng hoặc thân tàn ma dại sau khi bị bắt, chịu đòn thù của chủ nuôi và hàng xóm xung quanh. Người tử tế không ai cổ súy cho sự quá khích khi xử lý vô pháp với kẻ trộm, nhưng có lẽ sự lộng hành và thách đố mới chính là nguyên nhân gây ra rất nhiều vụ “đổi mạng” như trên.
Nhiều người cho rằng luật quy định về việc xử lý hành vi trộm chó chưa đủ tính răn đe nên tệ nạn này càng ngày càng nghiêm trọng. Phạm tội lần đầu chỉ phạt hành chính không hơn 2 triệu đồng, tái phạm vài lần mới xem xét về mặt hình sự và hình phạt cũng nằm trong khung trộm cắp tài sản với giá trị không lớn. Thật khó cho người làm luật bởi giá trị một con chó chỉ vài trăm ngàn đồng, dù dân nhà giàu bây giờ chơi lớn, nuôi giống quý, ngoại nhập, hàng trăm triệu đồng một con, nhưng dân trộm chó thường không nhắm đến mục tiêu này, ngoại trừ bắt rồi bắn tin kiếm tiền chuộc. Mà chuyện trộm một con chó cũng không thể xem là tội... bắt cóc được.
Nghe nói có 1 hệ thống thu gom chó có quy mô xuyên quốc gia, nguồn hàng chắc chắn đủ cung cấp cho cộng đồng ăn thịt chó đông đảo ở khắp nước. Hạn chế hay cấm ăn thịt chó coi bộ cực kỳ khó khăn, sự lên án từ dư luận cũng chẳng ăn thua gì. Nhìn qua Hàn Quốc, người dân nước này cũng có thói quen ăn thịt chó, nhưng trộm chó là chuyện hiếm khi xảy ra. Người ta nuôi chó để cung cấp cho hàng chục ngàn nhà hàng McDog, đây là chó thương phẩm nhằm phân biệt với chó nhà. Quay lại chuyện ở nước ta, liệu có giải pháp nào song hành với pháp luật để không còn những thảm cảnh “mạng người đổi mạng chó” đang xảy ra khắp nơi?
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm