Thời sự - Bình luận

Bắt ngay bọn lừa đảo phụ huynh chuyển tiền gấp vì con bị cấp cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 6.3, thông tin từ Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1, TPHCM), một phụ huynh của trường này vừa bị lừa 100 triệu đồng với chiêu thức lừa đảo là có cuộc gọi điện báo con bị cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp.
Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận một vụ việc. Ảnh: Phòng truyền thông Bệnh viện

Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận một vụ việc. Ảnh: Phòng truyền thông Bệnh viện

Đây không phải là trường hợp duy nhất, có nhiều người là nạn nhân của bọn lừa đảo này. Trong sáng 6.3, có 5 phụ huynh khác đến Bệnh viện Chợ Rẫy vì nhận điện thoại báo tương tự. Trong đó, có 3 người đã chuyển cho số tài khoản lạ lần lượt là 200, 50 và 20 triệu đồng.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vừa có công văn yêu cầu rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên. Cảnh báo cho phụ huynh học sinh được biết, kịp thời ngăn chặn hoạt động của bọn lừa đảo.

Băng nhóm lừa đảo sử dụng chiêu thức đánh trúng tâm lý phụ huynh. Con cái là "cục ngọc, cục vàng", chỉ cần nghe cấp cứu là hoảng loạn, không còn đủ tâm trí để phân biệt đúng sai. Nếu chần chừ không chuyển tiền, nếu con không cấp cứu kịp mà bị bệnh nặng thêm hay tử vong, thì ân hận suốt đời. Cho nên, thà sai lầm về tiền bạc còn hơn sai lầm về sức khỏe, tính mạng.

Nhưng cũng từ những vụ lừa đảo vừa xảy ra cho thấy, sự kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh quá ít, có thể nói là gần như không có.

Bọn lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là giáo viên, báo cho phụ huynh biết là con họ bị nhập viện cấp cứu, cần chuyển tiền liền để điều trị. Thế là phụ huynh tin ngay.

Tại sao phụ huynh không gọi một cuộc cho nhà trường, cho giáo viên chủ nhiệm hay bất cứ một giáo viên nào khác để xác minh?

Nếu có sự tương tác thường xuyên, chắc chắn phụ huynh sẽ gọi cho giáo viên chủ nhiệm ngay.

Thôi thì "mất bò phải lo làm chuồng", để không mất thêm những "con bò" khác. Trao đổi với Lao Động, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM - cho hay, đây là hình thức lừa đảo mới, đánh vào tâm lý lo lắng của phụ huynh học sinh với sức khoẻ của con em mình.

"Sở Giáo dục Đào tạo đang yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn thành phố phải rà soát lại số điện thoại đường dây nóng của đơn vị, cung cấp đến phụ huynh học sinh, đăng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Đường dây nóng phải luôn có người túc trực để phụ huynh liên hệ trong các trường hợp cần thiết” - ông Minh nói.

Đó là việc của ngành Giáo dục, còn một việc nữa của Công an là sẽ vào cuộc điều tra, bắt ngay bọn lừa đảo.

Những tên lừa đảo sử dụng điện thoại để liên lạc, có tài khoản chuyển tiền. Chỉ hai đầu mối đó, Công an sẽ truy ra, bọn chúng chạy đâu cho thoát!

Có thể bạn quan tâm