Điểm đến Gia Lai

Bàu Cạn một thời...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến đèo Hàm Rồng xuôi theo quốc lộ 14B một quãng, khách phương xa hẳn phải ngỡ ngàng bởi một chấm xanh đầy quyến rũ: Những dòng chè xanh nhấp nhô lượn sóng kế bên dải hồ lóng lánh như con mắt xanh dưới nắng mặt trời. Chiêm ngắm phong cảnh yên bình, nên thơ này, có lẽ không nhiều người biết những gốc chè kia đã có tuổi gần thế kỷ. Trong những biến thiên lịch sử của một vùng đất, dẫu đã qua bao thế hệ công nhân, bao đời các ông chủ phương Tây thì có lẽ, thời thuộc Pháp vẫn là đáng ghi lại nhất. Nó nhắc ta không thể quên lối làm ăn, lối cai trị của các ông chủ thực dân đã ngự trị tới gần 30 năm trên mảnh đất này.
Đồn điền Bàu Cạn ra đời năm 1923. “Bàu Cạn” là tên dân gian, theo cách gọi của người Việt ở miền Nam Trung bộ. Cũng bởi, trong khu vực đất đai mà các nhà thực dân bao chiếm có một chỗ trũng, đọng nước vào mùa mưa, nhưng theo thời gian, chiếc bàu khô hẳn, không còn nước và bồi lắng trên vùng đất này. Chính thức, tên của nó là Công ty Nông nghiệp Chè và Cà phê tỉnh Kon Tum-An Nam (Compagnie Agricole des Thés et Cafés du Kon Tum-Annam, viết tắt là CATECKA).
 Vườn chè Bàu Cạn. Ảnh internet
Vườn chè Bàu Cạn. Ảnh internet
Thực ra, lúc đầu, người ta không định trồng chè mà trồng cà phê, ca cao. Do phương tiện bơm tưới bấy giờ không kham nổi mới chuyển sang trồng chè. Dù vậy, việc đối phó với nắng gió mùa khô cuồng nộ cũng không phải dễ dàng. Để cây chè sống được, người ta phải đội cho mỗi cây một chiếc nón lá đặt mua từ Bình Định. Ấy là chưa kể việc phòng ngừa cây chè bị dế cắn, các ông chủ phải thuê đồng bào dân tộc và trẻ em bắt bằng tay. Cứ mỗi lon dế đổi một lon gạo. Công nhân đồn điền lúc đầu được mộ từ các tỉnh phía Bắc, sau không chịu nổi sốt rét, bỏ trốn quá nhiều, các ông chủ mới quay sang tuyển các tỉnh miền Trung. Tiêu chuẩn mỗi công nhân tháng 24 kg gạo, một căn phòng mái tranh vách nứa 16 m2. Chế độ làm việc quy định “hết việc không hết giờ”, bởi vậy có lúc công nhân phải làm tới 10-11 giờ/ngày. Xung quanh Bàu Cạn lúc bấy giờ còn là rừng già. Rừng thiêng nước độc khiến không ai thoát khỏi đau ốm, nhất là sốt rét, nhiều người vì bệnh mà chết. Công nhân đã khổ cực trăm bề, lại thêm bọn cai, ký đè nén, trù úm. Được trả lương cao gấp 3 lần công nhân, các ông chủ đã tạo nên một mạng lưới tay chân quyền uy và tuyệt đối trung thành. Cai có quyền đuổi việc nên không hiếm trường hợp chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà công nhân bị trù úm, đuổi việc vô lý. Ai bị đuổi việc, chúng đều bắt mang hết đồ đạc, cho xe chở ra ngã ba Hàm Rồng rồi thả xuống, bỏ mặc đó…
Trên tầng lớp cai, ký là các ông chủ thực dân. Từ lúc ra đời cho đến năm 1975, đồn điền Bàu Cạn đã qua khoảng 7-8 đời chủ. Thực ra, trong số họ cũng có những người không đến nỗi nào. Chẳng hạn như Sahvaire, có vợ người Liên Xô nên ông có cảm tình với công nhân; hay như Mocher, vốn xuất thân từ công nhân nên cũng phần nào thông cảm với hoàn cảnh người lao động. Ông này vừa đóng thuế cho chính quyền Sài Gòn vừa đóng thuế cho Cách mạng. Tuy nhiên, những người này lại chỉ được giao quyền chủ đồn điền không lâu. Các tay chủ ứng xử với công nhân thô bạo kiểu thực dân vẫn đa số mà điển hình là Socnen. Socnen là chủ đồn điền đầu tiên, đồng thời cũng là người có thời gian làm ông chủ lâu nhất… Vẻ mặt lầm lì, dáng đi chúi về phía trước, đầu cúi gằm, ông ta được công nhân đặt cho biệt danh là “Cọp gằm”. Socnen đặc biệt nóng tính và hay đánh đập công nhân vô cớ. Cứ mỗi lần gặp chuyện không vui, thấy ai trước mặt là ông ta đưa ngay một quả đấm. Anh Thương-một công nhân bị đánh đến phải nhập viện bởi một lần ông ta gặp chuyện “không vui” như thế…
Số vốn ban đầu khoảng 2,5 triệu Franc được nâng dần qua từng năm, theo đó, sản lượng chè cũng tăng dần. Năm cao nhất, Bàu Cạn đạt sản lượng trên 340 tấn chè khô, lợi nhuận 1,145 tỷ Franc. Công bằng mà nói, công nhân được trả lương cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng gần như chẳng ai dư dả vì rượu chè, cờ bạc. Đánh bạc diễn ra công khai. Nhiều con bạc say máu đút tiền cho cai để trốn việc, sa chân vào những cuộc sát phạt đỏ đen. Không những không cấm, các ông chủ còn ngầm khuyến khích, xem đó như một cách để cột chân công nhân vào đồn điền. Cuộc sống nô lệ, tù túng không lối thoát ấy đã cắt nghĩa vì sao Bàu Cạn sớm trở thành cái nôi của phong trào công nhân khi được các đảng viên như: Trần Ren, Phan Thủy Tú, Lâm Thị Nở… giác ngộ và thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng.
Người kể cho tôi nghe những chuyện đã khỏa lấp theo dòng thời gian này là ông Thân Trọng Chi-người gốc Huế, có thời gian hoạt động cách mạng tại Bàu Cạn, từng 2 lần bị địch bắt tù đày… Ông Chi đã mất và bây giờ “địa chỉ đỏ” Bàu Cạn có lẽ đã chẳng còn ai là chứng nhân một thời tăm tối…
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm