Kinh tế

Doanh nghiệp

Bầu Đức bán bớt nhà đất, sang tên tài sản, trả nợ thần tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) dồn dập bán và cầm cố tài sản để tái cơ cấu và chuyển sang một hướng mới: trồng chuối, bán chanh.
Thêm một quý nữa trôi qua, tình hình hoạt động kinh doanh của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) bớt phần u ám. Gánh nặng nợ giảm dần và có chiều hướng giảm tiếp. Trong khi đó, mảng kinh doanh mới đã bắt đầu cho kết quả.
Nghị quyết Hội đồng quản trị của HAGL cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 1,2 ngàn tỷ đồng. Công ty hoàn thành việc đàm phán với các chủ nợ, đảm bảo áp lực trả lãi và gốc vay được thực hiện theo tiến độ khai thác vườn cao su và dầu cọ, chủ yếu bắt đầu từ năm 2019.
Khối nợ vay khổng lồ của HAGL đã giảm mạnh từ 27,3 ngàn tỷ đồng xuống hiện tại còn 23,1 ngàn tỷ và mục tiêu giảm về dưới 22,3 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Cũng theo Nghị quyết, HAGL đang triển khai đồng bộ việc bán tài sản, thu hồi các khoản phải thu, hoán đổi nợ và trái phiếu liên quan đến Temasek trong 9 tháng đầu năm nhằm giảm số dư nợ vay.
Theo kế hoạch, một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là bán vốn tại dự án bất động sản HAGL Myanmar. Đây được xem là tài sản không cốt lõi của tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức. Bên cạnh đó, HAG sẽ phát hành riêng lẻ để tăng vốn, hoán đổi nợ để tiếp tục tái cấu trúc nợ.
Để góp phần giúp HAGL tái cơ cấu nợ vay, ông Đoàn Nguyên Đức cũng vừa bán 23 triệu cổ phiếu HAG.
Trước đó, Bầu Đức đã có nhiều lần chuyển hướng kinh doanh với hàng loạt các vụ bán nhanh, bán rẻ các dự án bất động sản trong nước và dồn tiền sang BĐS Myanmar và trồng cả trăm ngàn cao su, mía đường tại Lào.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn quá lớn khiến doanh nghiệp của Bầu Đức phải vay rất nhiều từ các ngân hàng trong nước, trong đó có BIDV. Tiền không chỉ được dồn vào các dự án, mà còn phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng xung quanh. Trong khi đó, dòng tiền về, doanh thu và lợi nhuận không kịp bù đắp.
 
Vài năm gần đây, giới đầu tư tiếp tục chứng kiến những hành động và phát biểu gây sốc của Bầu Đức. Gần như toàn bộ tài sản doanh nghiệp và của chính Bầu Đức đều được đem ra cầm cố và bị phong tỏa ở ngân hàng, từ cổ phiếu, học viện bóng đá, công trình của Bệnh viện HAGL, vườn cao su, Văn phòng làm việc Hội sở chính cho tới cả Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar…
Nợ nần quá nhiều khiến Bầu Đức gần đây đã phải bán cả mảng mía đường cho Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành.
Tại ĐHCĐ HAGL Agrico (HNG), một DN con của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức thậm chí còn cho biết đang xem xét bán đi khoảng 20 ngàn hecta cao su ở Lào và một số đối tác Trung Quốc đã xem xét, đo đạc và nghiên cứu.
Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt với tầm nhìn “ngồi tại Việt Nam bán sữa toàn Đông Nam Á” cũng đã thu được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, một phương án kiếm tiền nhanh và cũng là trọng tâm kinh doanh của tập đoàn trong dài hạn đã được đẩy mạnh triển khai: làm nông nghiệp.
Gần đây, dự án trồng và bán trái cây ăn qua như chanh, chuối, thanh long… đang góp một phần không nhỏ vào doanh thu của doanh nghiệp này. Trong 9 tháng, mảng trái cây chiếm 32% doanh thu của doanh nghiệp.
Cũng giống như Hoàng Anh Gia Lai, khá nhiều doanh nghiệp trong mảng nông nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm. Cao su Đồng Phú (DPR) ghi nhận lợi nhuận cao gấp 2 lần cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, lợi nhuận quý 3 của Dầu Tường An (TAC) tăng 76% so với cùng kỳ.
Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế và sự sôi động của thị trường bất động sản, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng công bố kết quả kinh doanh ấn tượng.
Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (CCM) có lãi quý 3 cao gấp 8 lần cùng kỳ. Bất động sản cũng lãi sau thuế gấp 5 lần cùng kỳ. Xây dựng số 5 (SC5) cao gấp 3,5 lần cùng kỳ…
Kết quả kinh doanh tốt của nhiều doanh nghiệp đã góp phần giúp thị trường chứng khoán tăng trở lại trước những áp lực chốt lời rất mạnh.
Một số cổ phiếu đầu ngành và là trụ cột trên TTCK sôi động trở lại nhờ sức mua vào của khối ngoại. Vinamilk (VNM), Thế Giới Di Dộng (MWG), Hòa Phát (HGP)… tăng giá. Ông lớn GAS, Sabeco (SAB), Bia Hà Nội (BHN) đề tăng mạnh.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Thanh khoản chung trên thị trường cải thiện nhưng chưa rõ ràng. Dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu chủ chốt mà còn nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-10, VN-index tăng 5,2 điểm lên 825,24 điểm; HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 106,69 điểm. Upcom-Index giảm 0,49 điểm xuống 53,29 điểm. Thanh khoản đạt gần 227 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 6,8 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H.Tú (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm