Kinh tế

Doanh nghiệp

Bầu Đức còn lại gì sau khi cơ ngơi "lũ lượt" bị bán?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cơ ngơi của “Bầu Đức” đang “lũ lượt” bị bán, từ mảnh mía đường, thủy điện cho đến hàng loạt bất động sản, đất đai nông nghiệp...
Từ ông "trùm" địa ốc...
Khởi nguồn từ một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh từ năm 2002 với mảng cao su, tài chính, bóng đá và đặc biệt là bất động sản.
Phải nói trong nhiều năm liên tiếp, bất động sản không chỉ là trụ cột kinh doanh của HAGL mà còn giúp doanh nghiệp này trở thành tập đoàn kinh tế có tốc độ phát triển tài sản nhanh nhất Việt Nam năm 2010, và nhanh thứ hai năm 2011, giá trị xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Cùng với đó là hàng tỷ USD đầu tư vào các nước trong khu vực Đông Nam Á như 1 tỷ USD vào Lào, hàng trăm triệu USD vào Myanmar, 100 triệu USD vào Campuchia, và hàng chục triệu USD vào Thái Lan.
Tuy vậy, trước sự suy thoái và đóng băng của thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2013, HAGL đã phải lựa chọn hướng đi khác để thay thế cho mảng kinh doanh chủ lực này như trồng bắp, mía đường, chăn nuôi bò... Điều này khiến tập đoàn phải đẩy mạnh việc vay nợ ngân hàng, trong khi các mảng kinh doanh mới bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thị trường khiến tình hình tài chính của HAGL gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý là có thời điểm, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới trên 33.000 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng tài sản, và gần một nửa số này là nợ ngắn hạn, cao hơn rất nhiều giá trị tài sản ngắn hạn mà tập đoàn sở hữu…
 
Bầu Đức chuyển hướng tập trung vào nông nghiệp. (Ảnh: Dân Việt). 
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, không còn đóng góp doanh thu đáng kể nhưng bất động sản vẫn giúp HAGL giải quyết bài toán “áp lực thanh khoản” thông qua việc chuyển nhượng 51% vốn tại dự án HAGL Myanmar, với số tiền 4.000 tỷ đồng.
... cho đến "cuộc chiến" nghề nông gian nan
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), 221,71 triệu cổ phiếu HNG được niêm yết bổ sung vào 28/8/2019, ngày giao dịch là 5/9/2019. Lượng cổ phiếu niêm yết của công ty tăng lên 1,1 tỷ đơn vị.
Sau đợt phát hành, HAGL giảm sở hữu HNG xuống 49,24%. Dẫu vậy, HAGL khẳng định HAGL Agrico vẫn là công ty con và tiếp tục hợp nhất vào báo cáo tài chính của công ty do ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của HNG.
Cổ phiếu HNG trên thị trường trong một tháng qua giao dịch ở vùng giá 16.700-18.700 đồng/cp và đang xu hướng giảm.
Thông tin trên tờ Vietnamnet cho hay, trước đó, HNG công bố Nghị quyết thông qua chuyển nhượng toàn bộ 99,875% vốn góp tại công ty con - Công ty TNHH Đông Pênh cho Công ty cổ phần Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi.
Trong tháng 6 vừa qua, HNG cũng lên kế hoạch việc chuyển nhượng vốn một công ty con khác là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển cao su Đông Dương cho Thadi.
Đáng chú ý khác là trong quý II/2019, HNG lỗ ròng hơn 631 tỷ đồng, trong khi quý II/2018 ghi nhận lãi ròng hơn 27 tỷ đồng.
HNG lý giải, doanh thu trái cây giảm do công ty đã chuyển đổi diện tích trồng chanh dây sang trồng các loại cây lâu năm khác. Đồng thời trong kỳ này nhóm công ty chủ động điều tiết mùa vụ không thu hoạch cây thanh long chính vụ mà thu hoạch trái vụ từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020 để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
 
Nông trường ớt bạt ngàn của Hoàng Anh Gia Lai. 
Đối với cây ớt, công ty đã chuyển đổi diện tích trồng ớt sang trồng các loại cây khác, không còn ghi nhận doanh thu từ mảng này.
Về sự sụt giảm doanh thu tại mảng bán sản phẩm, hàng hóa và phụ phẩm, HNG giải thích nguyên nhân chủ yếu là do nhóm công ty chủ trương tập trung vào mảng cây ăn trái. Công ty còn cho biết đã chấm dứt mảng hoạt động liên quan đến chăn nuôi bò vào cuối 2018 và đầu 2019.
Có thể thấy, cơ ngơi của “Bầu Đức” đang hao hụt dần sau khi hàng loạt tài sản bị bán, từ mảng mía đường, thủy điện, sau là mảng bất động sản, mảng nông nghiệp.
Theo Khánh Hoài (Kiến Thức)

Có thể bạn quan tâm