Kinh tế

Doanh nghiệp

“Bây giờ là thời cơ tốt nhất để các bạn trẻ biến giấc mơ của mình thành hiện thực”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được biết đến như là một “nữ tướng” của thị trường bất động sản, bà cũng là đại biểu chính thức đại diện cho doanh nhân Việt Nam tại Hội nghị APEC 14 và đã ghi lại một dấu ấn đẹp cho nữ doanh nhân Việt Nam trong phần đối thoại đầy trí tuệ với Tổng thư ký Hội đồng của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, nguyên Tổng giám đốc WTO- Supachai Panitchpakdi và Ngoại trưởng Mỹ (trước đây)- Condoleezza Rice. Bà chính là doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo.

Hãy nuôi dưỡng và nỗ lực để trở thành doanh nhân trả lương

Rất nhiều bạn trẻ nuôi giấc mơ trở thành doanh nhân. Theo bà, để thực hiện được giấc mơ này, các bạn trẻ cần là phải định hình cho mình những tố chất nào?

Tôi nghĩ bạn trẻ nuôi giấc mơ trở thành doanh nhân vì nhiều lẽ: Muốn được giàu có, muốn được xã hội tôn trọng, quá mệt mỏi với vị trí làm thuê, thích thông qua việc kinh doanh để phiêu lưu mạo hiểm, thích sáng tạo, thích là người đứng đầu, thích vị trí làm chủ… Bây giờ là thời cơ tốt nhất để các bạn trẻ biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
 

Ảnh: Thanh Vân
Ảnh: Thanh Vân

Thực tế cho thấy, doanh nhân có hai loại, doanh nhân nhận lương và doanh nhân trả lương. Khi doanh nghiệp đủ lớn và đủ mạnh, nếu người chủ muốn doanh nghiệp của mình tiếp tục phát triển thì phải tách bạch quyền sở hữu và quyền điều hành. Lúc này người chủ doanh nghiệp sẽ mời người có bằng cấp chuyên môn giữ những vị trí như: giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc marketing, giám đốc nhân sự… và trả lương cho họ.

Trong những dịp trò chuyện, giao lưu với giới trẻ, tôi thường khuyến khích các em trở thành chủ doanh nghiệp. Tôi nói: “Chủ lớn chủ nhỏ gì cũng được nhưng các em phải dành vị trí người trả lương”. Tại sao? Vì quan điểm của tôi là: một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường mà chủ trương nhân rộng thành phần làm thuê thì ai sẽ giữ vị trí người trả lương? Chủ doanh nghiệp nước ngoài ư? Nếu như vậy thì lại tiếp tục làm nô lệ!

Có rất nhiều tố chất để trở thành chủ doanh nghiệp nhưng theo tôi, tố chất quyết định là dám chấp nhận rủi ro. Hiện nay, có nhiều người rất giỏi, có thể nói là giỏi hơn người chủ doanh nghiệp nhưng chỉ vì thiếu tố chất này mà đành chấp nhận làm thuê.

Góc nhìn của bà đối với những người trẻ? Nếu có thể cho một lời khuyên thì lời khuyên của bà đối với giới trẻ là gì, thưa bà?

Tôi thích những người trẻ bởi đa số trong họ luôn sống hết lòng cho hiện tại, không chấp nhặt quá khứ và mở lòng với tương lai. Người trẻ còn dễ thích nghi thời cuộc, hoàn cảnh, sống trải lòng với mọi người, sống phóng khoáng hân hoan và luôn nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan.

Nếu được phép, tôi sẽ nói với người trẻ rằng: “Các bạn là người Việt Nam, một đất nước có ngàn năm văn hiến, từ thời lập nước đến bây giờ ông cha ta đã bao phen đánh đuổi giặc ngoại xâm; có thể nói ông cha ta đã hoàn thành nhiệm vụ với tổ tiên. Từ xa xưa ông bà của chúng ta đã có sự tinh tế trong văn hóa sống, quý phái trong phong cách sống, luôn chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh; các bạn hãy phát huy giá trị nhân văn ấy.

Tôi còn muốn nói thêm với các bạn trẻ, rằng: Đã có con số nghiên cứu cho thấy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam của chúng ta vẫn là một nước nghèo, nền kinh tế hiện còn rất nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp và mặt bằng giáo dục- y tế chưa cao. Hiểu rõ như vậy các bạn trẻ hãy cố gắng học tập, lao động, làm việc, cống hiến, để đưa đất nước thoát nghèo; khi chưa giàu biết sống tiết kiệm, khi giàu rồi thì cần biết chia sẻ với cộng đồng.
 

“Tôi thật lòng mong các bạn trẻ khao khát làm giàu. Tôi còn muốn cả dân tộc mình khao khát làm giàu”.

Tạ Thị Ngọc Thảo

Thành đạt là có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội

Giữa hai chữ “giàu” và “thành đạt”, theo bà doanh nhân cần “giàu” hay “thành đạt”?

Tôi nghĩ để trả lời được câu này trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau cách hiểu, thế nào là giàu và thế nào là thành đạt.

Định nghĩa “giàu” hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các giới trong xã hội. Có người định nghĩa về giàu rất cụ thể: “Giàu là phải có nhiều tiền, nhiều đất, nhiều nhà, nhiều xe, có máy bay và du thuyền nữa”. Người khác trừu tượng hơn: “Giàu là khi chết đi, bạn vẫn có cái để lại cho mình và cho người, đó là công đức và phước báu”. Có người lại trắc ẩn: “Giàu là ngay cả lúc không có nhiều tiền ta vẫn sẵn sàng giúp người khác trong khả năng có thể”. Riêng các nhà kinh tế học cho rằng: “Giàu là sở hữu nhiều vật chất và tài sản có giá trị”. “Giàu” là khái niệm thuộc phạm trù kinh tế, vì vậy cá nhân tôi đồng tình với định nghĩa của các nhà kinh tế học.  

Thành đạt cũng vậy, mỗi quốc gia, mỗi con người định nghĩa thành đạt cũng rất khác nhau. Người thì cho rằng: “Thành đạt là thành công trong nghề nghiệp và hạnh phúc trong gia đình”. Lại có người khác hóm hỉnh: “Thành đạt ư? với tôi sự nghiệp là tất cả!”. Với tôi, thành đạt là có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội, đem lợi lạc đến cho nhiều người; khi sống được xã hội tôn trọng, khi chết để lại tiếng thơm về nhân cách.

Thực tế cho thấy hiện có rất nhiều doanh nhân “sở hữu nhiều vật chất và tài sản có giá trị”, nhưng “biết tạo ra giá trị mới cho xã hội, đem lợi lạc đến cho nhiều người; khi sống được xã hội tôn trọng, khi chết để lại tiếng thơm về nhân cách” thì chưa nhiều lắm. Cá nhân tôi nghĩ rằng, khoan vội trách doanh nhân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm xã hội mà hãy xem lại cơ chế, chính sách, luật pháp… hiện hành. Vì có thể do “thể chế nào doanh nhân đấy”

Doanh nhân ngày nay thường tham gia nhiều vào công tác xã hội. Điều này được hiểu như một sự hướng về và chia sẻ cùng cộng đồng. Bà có thể cho biết quan điểm của bà về sự chia sẻ này?

Tôi nghĩ rằng, để trở thành “giàu” hay “thành đạt” doanh nhân không tự một mình làm được mà cần nhiều yếu tố:

Thứ nhất, Nhà nước tạo điều kiện. Trước khi có Nghị quyết VI, doanh nhân có muốn kinh doanh cũng bó tay vì lúc này kinh tế Việt Nam hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là Chính phủ đưa ra mọi quyết định về sản xuất và phân phối. Bây giờ doanh nhân được xã hội tôn vinh và gần đây- tháng 9-2011- Bộ Chính trị có hẳn một Nghị quyết về doanh nhân. Thời của chúng tôi, năm 1975 vừa tròn 18 tuổi, có nằm mơ cũng không dám tin sẽ có ngày doanh nhân được ưu ái như hiện nay. Thứ hai, cộng đồng tạo môi trường. Cộng đồng là người tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, cũng là nơi giúp doanh nhân hình thành bản lĩnh và thương hiệu, cho doanh nghiệp việc làm, cho doanh nhân đồng lời. Thứ ba, gia đình hậu thuẫn. Doanh nhân sẽ khó thành công nếu không có sự vun trồng, đùm bọc của đấng sinh thành, chia sẻ của người chồng, người vợ và con cái trong lúc khó khăn.

Nhận thức rõ như vậy cho nên không ít doanh nhân ngày nay sẵn sàng sát cánh với Nhà nước khi kinh tế gặp khó khăn, tham gia công tác từ thiện như một cách thể hiện trách nhiệm xã hội và sống có trách nhiệm với người thân trong gia đình, dòng tộc. Tuy vậy cũng có một số doanh nhân làm công tác xã hội như một cách tiếp thị doanh nghiệp và tiếp thị bản thân. Quan điểm của tôi về vấn đề này rất thoáng, rằng: nếu doanh nhân được danh, cộng đồng được lợi thì cũng tốt, cũng vui.  Doanh nhân là người quen cân, đo, đong, đếm và “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại” rất sòng phẳng; chúng ta đòi hỏi sự vắng lặng trong cách cho đối với họ là điều khó có thể.

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị và thẳng thắn này.

Thanh Vân (thực hiện)

Nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo sinh năm 1957 tại Sài Gòn. Mồ côi và đã trải qua những tháng ngày tuổi thơ vất vả, nhưng bà đã không ngừng học hỏi và trở thành là một doanh nhân thành đạt, tạo dựng một thương hiệu cá nhân uy tín. Công ty T.T.N.T. chuyên về lĩnh vực bất động sản do bà làm Tổng Giám đốc là một thương hiệu được nhiều người biết đến trên cả nước. Người ta phục bà không chỉ bởi sự sắc sảo trên thương trường, mà còn bởi những ý tưởng và giải pháp về kinh tế, xã hội mà bà thể hiện qua các bài viết cũng như trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện trước công chúng. Nhiều ý tưởng của bà đã được Nhà nước và Chính phủ xem như là tài liệu để nghiên cứu.


Tạ Thị Ngọc Thảo còn được biết đến là một cây bút sắc sảo, một diễn giả có sức thuyết phục. Một số bài viết nổi tiếng của bà là: Con cò ăn đêm, Lạc thụ dụng, Lạc sở hữu, Lá thư người chủ gởi đầy tớ, Câu chuyện nhỏ về dòng họ mối…

Có thể bạn quan tâm