Kinh tế

Doanh nghiệp

Bay xa hương chè Biển Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây chè trồng tại Biển Hồ (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) tính đến nay đã 90 năm. Đời chè đủ khép lại một đời người với bao nhiêu thăng trầm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đại diện Ủy ban Quân quản tỉnh Gia Lai ký văn bản bàn giao cơ sở sản xuất đồn điền trà Biển Hồ cho đơn vị quân đội lúc ấy là Đoàn 773 trực tiếp quản lý với diện tích 534 ha chè già cỗi, nhà máy lắp đặt công suất 13 tấn chè búp tươi/ngày với các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu.
Cụ Nguyễn Ngọc Huynh (hơn 100 tuổi) nhớ lại: “Năm 1921, người Pháp đã lập đồn điền trà Biển Hồ. Theo những người đi trước, hai vợ chồng tôi lên đây, thời đó gọi là đi làm sở trà Biển Hồ. Chúng tôi được chủ sở cho ở trong trại-những ngôi nhà mái ngói vảy cá còn sót lại bây giờ. Hết làm thuê cho chủ người Pháp, rồi chủ người Tàu; kinh tế thì chủ nắm trong tay, muốn trả lương bao nhiêu thì trả, còn thân phận làm thuê như mình cũng là “cu li”, là dân vô sản mà thôi”. Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp lập thêm đồn điền chè khác như: Bàu Cạn (CATEKA), Ia Pet (SAPKO), Biển Hồ, Đak Đoa trên đất Gia Lai…
Đóng gói sản phẩm chè. Ảnh: Bá Tuế
Đóng gói sản phẩm chè. Ảnh: Bá Tuế
Cùng với những biến đổi theo dòng lịch sử, đồn điền trà Biển Hồ ngày xưa-Công ty Chè Biển Hồ ngày nay cũng trải qua bao thăng trầm. Dấu tích thời gian của Biển Hồ trà thời Pháp thuộc còn lưu lại là một vài ngôi nhà xưa cũ với tường gạch, mái ngói vảy cá, là đôi hàng thông xanh tỏa bóng mát trên con đường dẫn vào thôn 2-xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah), là những vườn chè hơn 50 năm tuổi…
Năm 1975, toàn bộ quy hoạch sở trà Biển Hồ theo bản đồ địa chính của Pháp để lại với tổng diện tích 2.810 ha . Chủ yếu cây chè trồng từ năm 1930, già cỗi, mật độ cây khoảng hơn 3.700 cây/ha. Năng suất vườn cây thấp, khu đồn điền và nhà máy không đồng bộ, lạc hậu, công nhân là dân làm thuê. Riêng tài chính chỉ có 20.000 đồng (mượn của xã Biển Hồ). Nông trường Chè Biển Hồ (nay là Công ty Chè Biển Hồ) bắt tay ngay vào việc ổn định tổ chức, triển khai và xây dựng kế hoạch, công tác quản lý, điều hành dưới sự quản lý của nhà nước; tuyển dụng lực lượng công nhân mới. Đến nay, Công ty có 365 ha chè kinh doanh-năng suất vườn cây đạt trên 9 tấn chè búp tươi/ha (so với năm 1988 năng suất của năm 2009 tăng hơn 4,1 lần-tức 2 tấn/ha). Thực tế có hộ đạt năng suất từ 20 đến 25 tấn chè búp tươi/ha.
Hiện nay Công ty Chè Biển Hồ có hơn 1.600 hộ nhận khoán-trong đó 120 công nhân là người dân tộc thiểu số, trên 1.300 người thuộc các hộ dân địa phương. Đảng bộ Công ty hiện có 5 chi bộ với 39 đảng viên, nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh; tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên thường xuyên duy trì các hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội đáng kể. Điều đáng mừng từ năm 2005 đến nay, giá trị sản xuất kinh doanh luôn tăng trưởng khá, bình quân đạt gần 24% hàng năm. Năm 2009 đạt giá trị 37 tỷ đồng, lợi nhuận theo đó cũng tăng cao (1,65 tỷ đồng). Bước sang 2010 đạt giá trị 41 tỷ đồng. Sản phẩm chè của Công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2008, đạt Cúp vàng ISO năm 2008; được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận hàng nông-lâm sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại năm 2008. Sản phẩm chè xanh xuất khẩu sang các nước Afganistan, Pakistan và Singapore chiếm trên 70% thị phần. Sản phẩm cà phê được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế cà phê 4C.
Với 90 năm tuổi, Công ty Chè Biển Hồ đã khẳng định bền vững thương hiệu của mình và không ngừng quảng bá, thu hút khách phương xa đến thưởng thức hương vị trà xanh của cao nguyên Gia Lai.
Lê Bá Tuế

Có thể bạn quan tâm